Giải pháp nào để cải cách cơ chế, chính sách tiền lương của Việt Nam
04/02/2015 01:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong những năm gần đây cơ chế, chính sách tiền lương của Việt Nam đã có nhiều cải cách để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập của nền kinh tế. Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc quy định mức sàn (mức lương tối thiểu) chính là rào cản, là nguyên nhân dẫn tới chảy máu chất xám. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành thì nhân công giá rẻ không còn là lợi thế.
Lương tối thiểu nên giữ hay bỏ?
Từ những năm 90 của thế kỉ XX, Việt Nam đã đưa ra chính sách tiền lương tối thiểu để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Mức lương tối thiểu cũng đã được điều chỉnh để phù hợp hơn với từng giai đoạn, từng điều kiện. Tuy nhiên, sự điều chỉnh mức lương tối thiểu khá chậm so với sự gia tăng mạnh mẽ của lạm phát và nhu cầu mức sống tối thiểu chung của toàn xã hội. "Tiền lương tối thiểu nhân với hệ số lương cấp bậc, trình độ đào tạo…gọi là tiền lương cơ bản. Về nguyên tắc, tiền lương cơ bản phải lớn hơn tiền lương không cơ bản (lương mềm) thì tiền lương thực hiện được chức năng của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tiền lương chưa đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của người lao động dẫn đến sử dụng nguồn nhân lực không hiệu quả” – bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Học viện Chính sách và Phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Thu nhập ở Việt Nam đang ở mức rất thấp so với các quốc gia trong vực và đây sẽ là bất lợi đối với Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành. Sự di chuyển lao động có tay nghề giữa các quốc gia có thể gây chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Và những nước trả lương cao sẽ thu hút được các lao động có năng lực, tạo điều kiện cho các ngành công nghệ cao phát triển. Trong khi đó, những nước có mức lương thấp sẽ "tiếp nhận” các lao động có năng lực thấp hơn và phát triển các ngành phụ trợ và các ngành tạo ra giá trị hàng hóa thấp. "Khi gia nhập AEC, khu vực nhà nước sẽ phải cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao với cả khu vực ngoài nước và thị trường lao động nước ngoài. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy trong quản lý thị trường lao động, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám và mất cân đối cơ cấu kinh tế” – bà Nga nhấn mạnh.
Xuất phát thực tế trên, đối với lao động chất lượng cao và có tay nghề, không nên quy định mức giá sàn, hoặc ghi cụ thể mức lương tối thiểu đối với lao động chuyên gia và có tay nghề chỉ để làm căn cứ tính thuế. Giá cả thực sự nên để bên người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận với nhau. Quy định như vậy sẽ tạo cơ hội tốt để người lao động có thể tự do lựa chọn môi trường làm việc hấp dẫn hơn, đặc biệt trong quá trình thỏa thuận sẽ hạn chế được tình trạng chảy máu chất xám sang các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Thực tế cho thấy, việc tăng lương tối thiểu đã có những tác động gián tiếp đối với người lao động. Bởi song song với tăng lương là giá cả tăng, làm cho thu nhập của họ thực tế là bị giảm đi. Bên cạnh đó nó còn dẫn tới câu chuyện mỗi khi lương tối thiểu tăng, các doanh nghiệp đối phó bằng cách giảm số lượng người lao động, cắt phụ cấp…
Giải pháp nào?
Mặc dù thừa nhận mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đáp ứng được với mức sống tối thiểu, song đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, chính sách tiền lương đã có nhiều điều chỉnh để phần nào theo kịp những biến chuyển của thị trường. Cụ thể, DN được quyền chủ động xây dựng thang lương, bảng lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định, xếp lương cho người lao động, xác định kế hoạch quỹ tiền lương, quyết toán quỹ tiền lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh đồng thời chủ động trả lương cho người lao động theo quy chế trả lương của DN gắn với vị trí công việc. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, đối với khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương chính là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường. Trên cơ sở tôn trọng quyền của các bên trong việc xác định tiền lương và ban hành mức lương tối thiểu,Việt Nam đã thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia vào năm 2013 dựa trên cơ chế đối thoại 3 bên: Chính phủ, người lao động và doanh nghiệp. Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường, có sự quản lý nhà nước, tạo động lực tăng năng suất. Cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam sẽ tiến hành tái cơ cấu nguồn lực lao động, chú trọng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Việc xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể hiện được coi là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thì thương lượng tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, ông Huân cũng nhấn mạnh, thương lượng tiền lương tập thể trong DN, chỉ có ý nghĩa khi có giá trị thật, đó là nội dung thật, thương lượng thật, đại diện ký kết thật và thực hiện thật. Nghĩa là, phải có tổ chức thực hiện tất cả các nội dung đã ký kết, thỏa thuận. Để vượt qua những thử thách trong cải cách tiền lương khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần xác định tốt sàn tiền lương để bảo vệ người lao động khỏi bị trả lương quá thấp. Đặc biệt, thương lượng tập thể mạnh hơn để mức tăng lương đi cùng với tăng năng suất ở các ngành và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, việc có tăng lương bằng thương lượng được hay không còn phụ thuộc vào năng suất lao động và chất lượng của người lao động. Hiện Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành xây dựng Đề án Cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 trình Trung ương vào thời điểm thích hợp. Theo đó tập trung vào các giải pháp như: thúc đẩy thông tin thị trường lao động, đặc biệt thông tin về tiền lương, năng suất lao động của ngành, doanh nghiệp để hai bên có thông tin thương lượng, thỏa thuận tiền lương; nâng cao năng lực của các bên trong thương lượng về tiền lương, xây dựng quy chế trả lương gắn với kết quả...
Theo DĐDN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Thông báo danh sách các cá nhân đoạt ...
Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm ...
Đà Lạt: Tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm với 250 doanh ...
Lạc Dương phát động ra quân tuyên truyền vận động người dân ...
Cuộc thi “Tìm hiểu chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y ...