Giảm tải bệnh viện: Người mừng người lo

04/02/2015 01:17 AM


Trong các hội nghị gần đây của ngành Y tế, mục tiêu giảm tải bệnh viện (BV) luôn được lãnh đạo cao nhất của ngành Y đề cập tới. Minh chứng cụ thể nhất là việc lãnh đạo 13 BV tuyến trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, đó là tin vui cho người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng liệu người bệnh có được lợi gì từ cam kết này?

Trước thực tế hiện nay tại nhiều BV tuyến trung ương, quá tải đang diễn ra trầm trọng, người dân lo lắng về tính khả thi khi thực hiện cam kết của các cơ sở y tế nêu trên. Liệu có hay chăng tình trạng cơ sở y tế do "cố" thực hiện bằng được cam kết sẽ đẩy bệnh nhân đáng lẽ phải được điều trị nội trú thì nay phải ra ngoài ngoại trú, khiến bệnh nhân phải tăng chi phí ăn ở, đi lại? Đem băn khoăn này của người dân phản ánh đến ông Trần Quý Tường- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh bên lề Hội nghị tổng kết Công tác khám chữa bệnh, phóng viên nhận được câu trả lời: Sẽ không có chuyện bệnh nhân bị cho ra ngoài để BV đạt chỉ tiêu giảm tải. Việc điều trị bệnh cho bệnh nhân vẫn đúng quy trình của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ở nước ngoài, các BV cũng đang giảm số giờ nội trú của bệnh nhân, tăng hiệu suất điều trị. Việc cho bệnh nhân từ nội trú ra ngoại trú phải đảm bảo đúng quy trình và quy định. Hiện nay chưa có chế tài phạt hay xử lý BV vi phạm cam kết mà chế tài ở đây chính là danh dự và trách nhiệm của người đứng đầu BV.

Về băn khoăn này, ông Dương Đức Hùng- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp- BV Bạch Mai nói: Một khi đã cam kết, các cơ sở y tế sẽ bằng mọi biện pháp để thực hiện, trừ những trường hợp bất khả kháng, đột xuất trong một hoặc một vài thời điểm trong ngày, do vậy không thể nhìn vào từng thời điểm mà đánh giá thiếu khách quan về những cố gắng mà cơ sở y tế đã làm được.

Bàn về cam kết giảm tải BV của ngành Y tế, phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Y tế vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng trong năm qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực để giảm tải BV như hoàn thành tiêu chí đánh giá BV, tiến hành cải cách, đổi mới thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng cho rằng những việc nêu trên là chưa đủ để người dân yên tâm hoàn toàn, điều quan trọng là toàn ngành phải có sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc để nhân dân ghi nhận. Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành Y tế phải làm sao cho nhân dân thấy được những cố gắng nỗ lực này là thực chất, thực tâm vì người bệnh. Bên cạnh đó, yêu cầu ngành Y tế cần tiếp tục rà soát những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải BV, như những khó khăn (nếu có) trong thanh toán BHYT, chủ trương đầu tư máy móc xã hội hóa, tình trạng các BV không trao đổi kết quả với nhau dẫn đến bệnh nhân phải khám nhiều, tình trạng sai lệch trong các kết quả xét nghiệm, siêu âm, chiếu chụp vẫn diễn ra khiến bệnh nhân gặp khó… Tất cả những người thầy thuốc, những người quản lý trong ngành Y, bằng tấm lòng của mình phải làm sao để hạn chế tối đa những hạn chế nêu trên để đem lại sự hài lòng tốt nhất cho người bệnh. Về mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân, Phó Thủ tướng cho rằng: Không một đất nước nào có thể lo cho công tác chăm sóc sức khỏe bền vững nếu không có một hệ thống BHYT bền vững và lành mạnh.

Theo Bộ Y tế, năm 2015, nhiều khó khăn ngành Y tế phải đối mặt như mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương thích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường trước; Hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, phân bố giường bệnh chưa cân đối giữa các vùng miền; Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nên vượt tuyến, gây quá tải ở BV tuyến trên; Nhân lực y tế phân bổ không đều giữa các vùng, các tuyến.

Tiếp tục rà soát nhằm giải quyết triệt để tình trạng quá tải bệnh viện

Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 10/1/2015 đã có 18 bệnh viện tuyến Trung ương không còn tình trạng quá tải, nằm ghép khu vực nội trú như Bệnh viện Lão khoa, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương; Tai Mũi Họng Trung ương… Một số bệnh viện trước đây có nhiều khoa nằm ghép nay đã giảm đi như Bệnh viện Bạch Mai còn 12 khoa nằm ghép; Bệnh viện Chợ Rẫy còn 18 khoa; Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế còn 6 khoa nằm ghép… Một số bệnh viện còn tình trạng nằm ghép quá tải, cục bộ nhưng chỉ trong vòng từ 24h đến 48 giờ đã được cải thiện.

Để giảm tình trạng nằm ghép tại các khu nội trú, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trực tuyến hàng tuần về tình trạng quá tải, nằm ghép; số lượng trung bình bệnh nhân trong một bàn khám…, đồng thời đưa các chỉ số liên quan đến giám sát tình trạng nằm ghép trong nội dung giao ban hàng ngày của từng khoa… Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành danh mục các chỉ số đánh giá, giám sát thường quy và đột xuất; thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra; áp dụng chế độ khen thưởng, khiển trách kịp thời đối với các tập thể thực hiện tốt, chưa tốt công tác giảm tải bệnh viện.

Dự kiến, trong năm 2015, Bộ Y tế sẽ tổ chức 3 đợt ký cam kết với Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ nhằm giải quyết tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong thời gian điều trị nội trú tại Bệnh viện. Dự kiến đợt 1 sẽ được ký kết vào ngày 27/2/2015 tới. Thực hiện Quyết định 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020, thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp như: tăng giường bệnh, cải tạo khoa Khám bệnh, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Chỉ đạo tuyến; Đề án Bác sỹ gia đình… để thực hiện giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Trong năm 2015, Đề án Giảm tải bệnh viện đề ra mục tiêu giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viên có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (>120%) thuộc tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xuống dưới 100%; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện . Bên cạnh n âng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng giường bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020; các bệnh viện giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao; bảo đảm mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2015 và 35 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2020…

Theo Hải Quan Online