Mở rộng diện bao phủ BHXH: Nhiều thế hệ được hưởng lợi

30/03/2017 07:55 AM


Sáng 29/3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Mở rộng diện bao phủ BHXH- Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam”.

Tỉ lệ lao động tham gia BHXH chưa cao

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Chính sách BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính sách BHXH được thực hiện từ năm 1961, đến trước năm 1995 chỉ áp dụng đối với CCVC Nhà nước theo cơ chế bao cấp. Từ năm 1995, chính sách này được cải cách theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, từ chỗ chỉ có CCVC sang NLĐ trong các DN có sử dụng từ 10 lao động trở lên; rồi tiếp tục mở rộng đến các lao động có ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên. Từ 1/1/2018, đối tượng tham gia tiếp tục được mở rộng đến lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên. Ngoài ra, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có cơ hội tham gia BHXH tại Việt Nam…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chủ trì Hội thảo

Hết năm 2016, Việt Nam có trên 13 triệu người tham gia BHXH (chiếm 28% lực lượng lao động trong độ tuổi). Hàng năm, có 4- 5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng các chế độ BHXH dài hạn. Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi (NCT) được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Nếu tính cả trợ cấp xã hội cho NCT, người khuyết tật, người nghèo, người có công, thì có trên 50% NCT ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng… Tuy nhiên, hiện nay, diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn ở mức thấp so với thế giới. Nhiều NLĐ chưa được tham gia BHXH, có nguy cơ gặp rủi ro trong quá trình làm việc như ốm đau, TNLĐ, thất nghiệp... Nhiều người già không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Cùng với đó, các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt, nên chưa thực sự hấp dẫn người dân.

Ông Phạm Trường Giang- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, mỗi khi chính sách BHXH thay đổi thì diện bao phủ được mở rộng hơn. Trong giai đoạn 2007- 2016, có khoảng 89.000 đơn vị HCSN, 7.000 DNNN, 15.000 DN FDI và trên 179.000 DN tư nhân tham gia BHXH. Đến nay, DNNN tham gia BHXH ngày càng giảm; trong khi DN tư nhân tăng nhanh- gấp gần 4 lần sau 10 năm; số DN FDI tăng hơn 2 lần và các khu vực khác ổn định.

Năm 2016, số người tham gia BHXH đạt 13 triệu (chiếm 24% lực lượng lao động), bao gồm 4 triệu người thuộc khu vực nhà nước; 1,2 triệu người thuộc DNNN; 3,71 triệu lao động khu vực DN tư nhân và 3,7 triệu lao động khu vực DN FDI… Đáng chú ý, trong năm 2016, riêng TP.HCM tăng mới 13.157 DN tham gia BHXH; tỉ lệ DN đóng BHXH cho dưới 10 lao động chiếm trên 78,5% trong tổng số DN đang tham gia BHXH; DN từ 10- 50 lao động chiếm 16,8%; từ 50- 500 lao động chiếm 4,17% và trên 500 lao động chiếm 0,45%.

Hội thảo về mở rộng diện bao phủ BHXH ở Việt Nam

Ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhận định: Việt Nam vẫn còn “khoảng trống” lớn trong mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Nguyên nhân là do các cơ quan nhà nước chưa thống kê được chính xác số lao động đang làm việc nhưng chưa tham gia BHXH. Bên cạnh đó, mức tiền lương đóng BHXH của các DN cũng không đúng với thực tế. Hầu hết DN xây dựng 2 thang bảng lương khác nhau (trung bình bảng lương quyết toán thuế khoảng 6,5 triệu đồng/tháng; bảng lương đóng BHXH khoảng 3,8 triệu/tháng). “Như vậy, với trên 15.000 lao động, mỗi tháng đóng BHXH thấp hơn khoảng 1 triệu đồng, thì quỹ BHXH “bỏ lọt” số tiền tương đối lớn”- ông Chính nhấn mạnh.

Linh hoạt giải pháp

Về giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ông Phạm Trường Giang cho rằng, Chính phủ cần giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo hướng gắn trách nhiệm của từng địa phương; tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan Thuế và BHXH; thực hiện chính sách hỗ trợ “có điều kiện” nhằm tạo thói quen tham gia BHXH; bổ sung thêm chế độ ngắn hạn đối với chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, coi việc tham gia BHXH là một trong những điều kiện để DN tiếp cận được các chương trình ưu đãi của Nhà nước; xây dựng chính sách “con tham gia BHXH, bố mẹ được hưởng lương hưu xã hội”; đơn giản hóa thủ tục tham gia và thụ hưởng; xóa bỏ rào cản về ranh giới hành chính, địa phương trong việc tham gia BHXH…

Đồng quan điểm, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Từ góc độ chủ SDLĐ, VCCI mong muốn NLĐ được làm việc, được chăm sóc sức khỏe và tham gia đầy đủ vào hệ thống BHXH. Để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ và các bộ liên quan đã có ý kiến giảm mức đóng cho DN vào quỹ TNLĐ, quỹ BH thất nghiệp 0,5%. Đặc biệt, Chính phủ quyết liệt cải cách TTHC đã phần nào tạo thuận lợi cho DN. Với trách nhiệm của mình, VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các chủ SDLĐ tuân thủ pháp luật BHXH tốt hơn…

Từ góc độ cơ quan thực hiện chính sách, ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Ngành BHXH đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động mở rộng đối tượng tham gia BHXH; đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tham gia BHXH; mở rộng đại lý thu… “Trong năm 2016, ngành BHXH đã vận động được hơn 40.000 DN với trên 100.000 lao động tham gia BHXH. Thông qua việc chia sẻ thông tin với cơ quan Thuế đã giúp đa số NLĐ có giao kết hợp đồng được tham gia BHXH”- ông Liệu thông tin thêm.

Còn theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc mở rộng bao phủ BHXH là việc cần phải làm. Đặc biệt, cần đưa chính sách BHXH đến với những người trung lưu đang bị lãng quên, những người ở giữa độ bao phủ của BHXH và trợ giúp xã hội- đây là những NLĐ trong các DN NVV, những lao động có HĐLĐ ngắn hạn và những người không có mối quan hệ lao động… “Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam tương đối non trẻ, song đã có nhiều thế hệ được hưởng lợi từ hệ thống này. Do đó, ILO cam kết hợp tác để tất cả mọi người đều được tham gia BHXH”- đại diện ILO cho biết.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan liên quan cần tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH nhằm chăm lo cho toàn dân, đặc biệt đối với những người yếu thế và người có công với đất nước. Cũng theo Phó Thủ tướng, chính sách BHXH rất quan trọng, nên Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Điều quan trọng là phải có giải pháp hài hòa, phù hợp với thông lệ quốc tế và phải đồng bộ với tất cả các chính sách về giáo dục, y tế… nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Hiện Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp cho hệ thống BHXH ở Việt Nam. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Chính phủ sẽ trình BCH Trung ương Đề án “Cải cách chính sách BHXH” và sẽ thống nhất giải pháp triển khai.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phải đổi mới công tác quản lý lao động, tăng cường ứng dụng CNTT, nhằm đảm bảo nắm bắt kịp thời số lao động. Còn ngành BHXH phải coi người dân, NLĐ như khách hàng; có cơ chế để các đại lý thu cùng vào cuộc vận động mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

“Đây là việc liên quan đến người dân, nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để tất cả người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH. Dù khó vẫn phải giao kế hoạch phát triển BHXH cho chính quyền các địa phương, bởi DN trên địa bàn thì cơ quan quản lý nhà nước ở địa bàn phải nắm rõ nhất và có trách nhiệm vận động. Chỉ có tham gia BHXH thì xã hội về lâu dài mới đảm bảo, kinh tế mới phát triển được bền vững”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn