Đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT

23/06/2016 07:52 AM


Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; hướng dẫn trích chuyển dữ liệu lên cổng dữ liệu” với sự tham gia của đại diện các Sở Y tế, các bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố phía Bắc và các ban, ngành, vụ, cục liên quan.

Hoi nghi y te 160616.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Thực hiện Nghị Quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chỉ đạo của Chính phủ về tin học hóa BHYT, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với BHXH Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Bộ Y tế đã quyết định thành lập ban chỉ đạo của ngành và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình thực hiện tại các địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn một số bất cập trong việc trích xuất, kết nối liên thông dữ liệu, đường truyền.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Hội nghị này, sẽ tập trung vào 3 nội dung chính gồm: phổ biến và hướng dẫn nguyên tắc áp dụng Bộ mã danh mục dùng chung; hướng dẫn trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh lên cổng tiếp nhận dữ liệu của Bộ Y tế và yêu cầu thanh toán BHYT lên Cổng dữ liệu giám định của BHXH Việt Nam; xin ý kiến Dự thảo Thông tư trích chuyển và quản lý dữ liệu khám chữa bệnh BHYT.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế; trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan để các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh xác định rõ trách nhiệm, yêu cầu của Chính phủ và các giải pháp kỹ thuật của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng kế hoạch, tiến độ, giải pháp cụ thể để hoàn thành việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT tại các đơn vị, thực hiện trích xuất dữ liệu, kết nối, liên thông dữ liệu trước ngày 30/6/2016 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo tình hình triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, ông Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT là xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và thanh toán BHYT dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, bảo đảm cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng tốt góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tránh thất thoát, lãng phí. Trong đó bao gồm các nội dung cụ thể: Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý KCB BHYT tại các cơ sở KCB trên toàn quốc để đáp ứng trích xuất dữ liệu đầu ra yêu cầu thanh toán BHYT; Xây dựng và triển khai hệ thống tiếp nhận và quản lý thông tin thanh toán KCB BHYT của các cơ sở y tế trên toàn quốc; Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý KCB BHYT (các Thông tư, Quyết định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn,…).

Trong quá trình triển khai, Bộ Y tế đã ban hành được chuẩn dữ liệu đầu ra của phần mềm quản lý khám chữa bệnh; ban hành bộ mã dùng chung gồm 8 danh mục: danh mục dịch vụ kỹ thuật với 4.889 dịch vụ; thuốc tân dược với hơn 20.000 mục; thuốc y học cổ truyền với 547 chế phẩm và 349 vị; danh mục bệnh y học cổ truyền với hơn 1.000 bệnh; danh mục về máu và chế phẩm máu; mã cơ sở khám chữa bệnh; vật tư y tế; danh mục bệnh theo Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 10 (ICD-10).

Bộ Y tế đã triển khai thử nghiệm kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh tại 4 tuyến với BHXH Việt Nam ở 6 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Tiền Giang và Cà Mau). Đã có 3.405 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã trích xuất được dữ liệu điện tử đầu ra phục vụ yêu cầu thanh toán BHYT sẵn sàng chuyển đến cơ quan bảo hiểm xã hội từ ngày 30/6/2016. Trong đó, có 30 cơ sở ở tuyến Trung ương, 279 cơ sở tuyến tỉnh, 480 cơ sở tuyến huyện, 2.616 trạm y tế xã.

Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Vẫn còn 20/63 Sở Y tế chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, hơn 8.000/13.932 cơ sở khám chữa bệnh chưa báo cáo khảo sát công nghệ thông tin (chiếm 60%); việc kết nối liên thông được với nhau nhưng vẫn còn một số hạn chế; Một số danh mục dùng chung vẫn cần cập nhật đầy đủ để thực hiện kết nối và thanh toán; Mạng lưới đường truyền chưa đảm bảo khi gặp sự cố như mất điện,…

Hoi nghi y te 2 160616.jpg
Quang cảnh Hội nghị


Năm 2016, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hệ thống quản lý thông tin KCB và kết nối liên thông dữ liệu KCB phục vụ công tác thanh toán BHYT; Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thông tin KCB BHYT tập trung; Cập nhật, chuẩn dữ liệu đầu ra và Danh mục dùng chung ngành Y tế; Xây dựng định mức thuê dịch vụ CNTT, kết cấu chi phí dịch vụ CNTT trong cơ cấu giá dịch vụ y tế; Xây dựng hành lang pháp lý vận hành, khai thác hệ thống; Tổ chức đào tạo, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ truyền thông; Quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, vận hành hệ thống.

Về phía các doanh nghiệp CNTT, việc triển khai sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Cung cấp các chức năng KCB cơ bản đáp ứng yêu cầu liên thông với BHXH; Tập trung vào các khu vực chưa sử dụng phần mềm để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, đào tạo,… Đối với các cơ sở KCB đã có phần mềm mà không thể trích xuất dữ liệu theo Công văn 9324 thì tiến hành hỗ trợ, thay thế, còn có thể trích xuất theo Công văn 9324 thì triển khai thử nghiệm nếu có yêu cầu. Giai đoạn 2: nâng cấp bổ sung các tùy chỉnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế; Triển khai các hệ thống LIS/PACS cho các cơ sở y tế có yêu cầu; Tiếp tục triển khai nhân rộng các cơ sở y tế đã có phần mềm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên thông; Nâng cấp, bổ sung các chức năng để cung cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về KCB cho Bộ Y tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia hướng dẫn áp dụng, nguyên tắc của Bộ mã danh mục dùng chung của Bộ Y tế; hướng dẫn về mã hóa dịch vụ kỹ thuật tương đương, ICD 10; giới thiệu Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế; đồng thời cũng thảo luận về nội dung sử dụng Danh mục dùng chung, góp ý Thông tư trích chuyển dữ liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh, đề xuất giải quyết các vướng mắc…/.

Nguồn Website BHXH VN