NLĐ cần tỉnh táo, suy xét, tiếp tục tham gia thay vì rút BHXH một lần

01/05/2021 10:36 AM


Những ngày vừa qua, một số LĐ phía Nam đã bán sổ BHXH, đăng ký nhận BHXH một lần sau khi DN ngừng hoạt động, phá sản… Đây là vấn đề rất nguy hiểm, bởi NLĐ dễ mất quyền được hưởng an sinh khi về già. Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên Báo BHXH về vấn đề này.

* PV: Thưa ông, khi xây dựng Điều 60 Luật BHXH năm 2014, các nhà làm luật đã hướng đến mục tiêu cụ thể như thế nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi:

Phải khẳng định rằng, chính sách BHXH bắt buộc của Việt Nam hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ; hỗ trợ khi NLĐ mất việc làm; đảm bảo cuộc sống ổn định sau khi hết tuổi lao động... Chính sách này đã được thiết kế khá toàn diện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của NLĐ. Điều 60 Luật BHXH năm 2014 đã quy định về điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần khá chặt chẽ, với mục đích không khuyến khích NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần, nhằm để cộng dồn thời gian đóng BHXH, giúp NLĐ sau này có đủ điều kiện nhận lương hưu hằng tháng.

Đặc biệt, quy định này cũng nhằm tăng số NLĐ được hưởng lương hưu khi về già. Đây cũng là quan điểm của Quốc hội, Chính phủ mong muốn thực hiện được mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2015 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020; Kết luận số 63-KL/TW tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi NCC và định hướng cải cách đến năm 2020; Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Điều 34 Hiến pháp năm 2013 là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

* Thời gian gần đây, với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tại một số tỉnh khu vực phía Nam có tình trạng gia tăng số LĐ đăng ký rút BHXH một lần. Ông nhận định như thế nào về sự việc này?

- Sở dĩ có Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 của HĐBT vào đầu những năm 1990, là do sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Theo đó, đã có khoảng 70 vạn lao động nhận BHXH một lần. Sau đó, rất nhiều người trong số họ có cuộc sống khó khăn do không có lương hưu, nên muốn trả lại Nhà nước số tiền đã nhận để tiếp tục làm việc và đóng BHXH, với mong muốn được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép thực hiện việc này. Đây là bài học rất đau lòng và cũng là minh chứng rõ nhất cho các hệ luỵ của NLĐ khi hưởng BHXH một lần.

Do đó, khi thiết kế Điều 60 Luật BHXH, Chính phủ đã quy định các trường hợp được hưởng BHXH một lần theo hướng thu hẹp, chỉ ưu tiên giải quyết đối với những trường hợp NLĐ bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao, HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh do Bộ Y tế quy định). Điều này để tăng số NLĐ được hưởng chế độ hưu trí, nhằm bảo đảm an sinh lâu dài cho NLĐ.

Chúng ta cũng cần hiểu thêm, tại Điều 61 Luật BHXH 2014 cho phép NLĐ đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH có thể đóng BHXH nhiều lần, nhiều nơi gián đoạn, nhưng vẫn được cộng dồn khi đủ điều kiện nhận BHXH hằng tháng. Trong thời gian bảo lưu, nếu NLĐ muốn tham gia BHXH tự nguyện cũng được Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục đóng BHXH. Ngoài ra, khi chưa nhận chế độ BHXH một lần, trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may NLĐ từ trần, thì thân nhân của họ được tiền trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở; đồng thời còn được hưởng mức trợ cấp tuất 1 lần hoặc tuất hằng tháng, bằng hoặc lớn hơn mức BHXH một lần.

Thông qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy những ngày vừa qua, nhiều NLĐ ở một số tỉnh phía Nam đã bán sổ BHXH, đăng ký nhận BHXH một lần sau một năm công ty phá sản, ngừng hoạt động… Trước vấn đề này, tôi chia sẻ và đồng cảm với NLĐ trong điều kiện cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận.

Do vậy, kể cả khi họ có việc làm, đóng BHXH trở lại, họ phải bắt đầu tích luỹ BHXH từ con số 0 và như vậy rất nhiều khả năng không thể tích luỹ đủ số năm đóng cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu (thông thường thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 25 năm tích luỹ thời gian đóng BHXH, trường hợp làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời gian tích luỹ tối thiểu có thể chỉ là 15- 20 năm). Đặc biệt, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội…

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhận hoặc không nhận BHXH một lần sau một năm nghỉ việc, không đơn giản chỉ là đáp ứng quyền của cá nhân NLĐ, mà đây là vấn đề mang tính hệ thống của chính sách xã hội. Nếu những NLĐ tham gia BHXH ở khu vực tư và dần dần là cả khu vực công đều đòi hỏi quyền được nhận BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn tới sự phá vỡ hệ thống BHXH. Hệ quả tiêu cực của chính sách này là NLĐ ở khu vực tư sẽ nhận BHXH một lần ngày càng nhiều, không thể tích luỹ hưởng lương hưu; như vậy chỉ có CCVC hoặc một bộ phận lao động có điều kiện, có thu nhập cao mới đợi đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu. Quan trọng hơn, với cách thiết kế chính sách như vậy, sẽ không bảo đảm về an sinh xã hội cho hàng triệu NLĐ khi về già không có lương hưu.

Ngoài ra, do đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhà nước đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có NLĐ mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt. Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo, suy xét để cùng chia sẻ với Nhà nước, DN và xã hội để vượt qua thử thách này, giữ và tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già.

* Tới đây, khi sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014, chúng ta cần xem xét vấn đề BHXH một lần như thế nào, để có được giải pháp tốt nhất cho cả NLĐ cũng như quỹ BHXH, thưa ông?

- Đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn thật thấu đáo khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có quy định BHXH một lần. Việc nhận BHXH một lần không chỉ là vấn đề của cá nhân mỗi NLĐ, mà đây là vấn đề chính sách, chính trị của giai cấp công nhân lao động. Còn nhớ, trong Tuyên ngôn của Chương trình Việt Minh đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đưa ra để hiệu triệu NLĐ (thợ thuyền) tham gia Việt Minh vào năm 1941 với một trong các khẩu hiệu cách mạng là “thợ thuyền già có lương hưu trí”. Mục tiêu này đã được Đảng và Nhà nước ta kiên định suốt 70 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc quy định hạn chế hưởng BHXH một lần đã nhiều lần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự không đồng thuận của một bộ phận NLĐ. Vì vậy, quan điểm của Chính phủ, Quốc hội là phải hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.

Đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và trong dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của NLĐ. Do đó, trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách; tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ.

Tuy nhiên, trong dài hạn sẽ thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, cụ thể: Sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, sửa đổi và bổ sung chính sách BH thất nghiệp, việc làm theo hướng hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.

Còn nếu theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới bảo hiểm hưu trí vì mục tiêu an sinh xã hội dài hạn. Nhiều quốc gia đã hoàn toàn xóa bỏ BHXH một lần đối với tầng hưu trí cơ bản. Đây là kinh nghiệm quan trọng để chúng ta học hỏi thiết kế, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Hà (Thực hiện)

http://baobaohiemxahoi.vn/