Nghiệm thu đề tài “Đề xuất một số tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)”

17/12/2014 09:38 AM


Ngày 16/12, BHXH Việt Nam tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học đề xuất một số tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Tiến sĩ Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam là Chủ tịch hội đồng.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ Phan Văn Mến, Trưởng ban Pháp chế trình bày khái quát nội dung nghiên cứu đề tài. Với 03 chương, đề tài tập trung làm rõ cơ sở lý luận – pháp lý, sự cần thiết phải bổ sung một số tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi); đánh giá thực trạng các nhóm hành vi, vi phạm và xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; kiến nghị đề xuất bổ sung một số tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Nhóm nghiên cứu đã nêu kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia như Đức, Ấn Độ, Slovenia, Mông cổ.... Tại các quốc gia này, các hành vi xâm phạm quyền BHXH, BHYT của công dân đều được quy định trong Luật Hình sự. Một số quốc gia khác như Thái lan, Hoa kỳ, Combodia, Philippines... cho phép quy định trong văn bản luật chuyên ngành một số quy phạm pháp luật hình sự để xử lý các hành vi phạm tội phát sinh trong lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có Luật BHXH, Luật BHYT. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hầu hết văn bản pháp luật của các quốc gia đều quy định các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng và quyền thụ hưởng các chế độ cho người lao động; các hành vi vi phạm có thể bị truy tố như hành vi gian lận để hưởng BHXH hay không nộp tiền đóng BHXH. Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để đưa tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT vào Luật Hình sự; Điều 34 Hiến pháp 2012 nêu rõ: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

Thực trạng vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT được nhóm nghiên cứu phân tích làm rõ. Các hành vi vi phạm được khái quát thành 03 nhóm, trong đó nhóm hành vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động đang xảy ra phổ biến hơn cả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Công tác thanh, kiểm tra, xử phạt các đơn vị nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số vụ việc được xử lý còn ít và chậm trễ. Chế tài xử phạt vi phạm pháp luật BHXH, BHYT quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP vẫn còn ở mức thấp, chưa phát huy được hiệu quả. Việc khởi kiện ra Tòa các đơn vị nợ còn ít so với các đơn vị vi phạm, việc thu hồi tiền nợ gặp nhiều khó khăn.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu khẳng định các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT phải được hình sự hóa. Bởi lẽ, hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng gây thiệt hại cho xã hội, Quỹ BHXH, Quỹ BHYT, ảnh hưởng đến người lao động ở cả hiện tại và tương lai; hành vi này xảy ra phổ biến, lặp đi lặp lại ở hầu hết các địa phương, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, đi ngược lại mục đích an sinh xã hội; việc hình sự hoá đối các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT phù hợp với lợi ích chung của người lao động nhằm bảo vệ những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT (các hành vi vi phạm này cũng đã được Luật BHXH, Luật BHYT xác định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Báo cáo kết quả khảo sát liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì về tình hình thực tiễn 11 năm thi hành Bộ luật hình sự tại 09 tỉnh, thành phố cũng nêu kiến nghị: “Cần nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi phạm tội mới như trốn đóng bảo hiểm hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động …vào Bộ Luật Hình sự sửa đổi”.

Nhóm nghiên cứu đề xuất, kiến nghị bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi):(1) Tội trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (2) Tội chiếm dụng tiền của người lao động đã đóng BHXH, BHYT.

Nhận xét kết quả nghiên cứu của đề tài, đa số các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài, nhất là trong bối cảnh nợ đọng BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng, Quốc hội đang trong quá trình lấy ý kiến, chuẩn bị sửa đổi Luật Hình sự. Cơ sở lý luận, thực tiễn của nhóm nghiên cứu đưa ra tương đối chặt chẽ, hợp lý; đề xuất có tính thuyết phục, bảo đảm tính khả thi cao. Một số ý kiến nhận xét cũng cho rằng cần làm rõ, phân biệt hành vi nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp, tạo cơ sở chặt chẽ để Luật hoá; cần bổ sung thêm một số kết quả đề tài nghiên cứu trước đó có liên quan. Tiến sĩ Đỗ Văn Sinh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm nghiên cứu cần làm rõ thêm mức độ ảnh hưởng của 02 nhóm hành vi còn lại (xâm phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT và vi phạm trong tổ chức thức hiện); trên cơ sở đó đưa ra đề xuất hợp lý, bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học.

Các thành viên Hội đồng nhất trí đánh giá đề tài nghiên cứu đạt loại Xuất sắc.

Nguồn TC BHXH