Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ môi trường (Bài 1)

08/08/2022 02:07 PM


Tháng 6 vừa qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Nghị quyết số 17-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Lâm Đồng. Nghị quyết xác định bảo vệ môi trường là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân; vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản phát triển bền vững; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh trong giai đoạn sắp đến.
 
Bài 1: Những mục tiêu cụ thể đến năm 2030
 
Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về bảo vệ môi trường trong thời gian đến; chủ động giám sát, kiểm soát công tác quản lý môi trường, ngăn ngừa và hạn chế tối đa mức độ gia tăng ô nhiễm; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi công dân, gia đình, cơ quan, đơn vị trong địa bàn toàn tỉnh. 
 
Một con đường “xanh sạch đẹp” ở Đơn Dương
Một con đường “xanh sạch đẹp” ở Đơn Dương
 
• MÔI TRƯỜNG ĐƯỢC CẢI THIỆN 
 
Một trong những huyện tiên phong trong phân loại rác thải tại nguồn trong tỉnh Lâm Đồng chính là Đạ Tẻh. Năm 2019, Đạ Tẻh đã từng bước thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn trong các vùng nông thôn và tiến đến áp dụng toàn huyện. Mục tiêu như Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết, giảm tải lượng rác thải đưa ra môi trường, nhất là rác thải hữu cơ thông qua việc xử lý tại chỗ. Rác thải nhựa cũng được tách và phân loại riêng cho mục tiêu tái chế. 
 
Việc phân loại rác thải tại hộ gia đình được Đạ Tẻh triển khai trong toàn huyện nhưng chú trọng vào vùng nông thôn vì nhiều gia đình có đất vườn rộng, có thể xử lý rác thải hữu cơ là cây cỏ, phụ phẩm nông nghiệp để biến rác thành phân bón phục vụ cho canh tác. Hàng  năm, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải tại gia đình cho người dân ở tất cả các xã với hàng ngàn lượt người tham gia, chủ yếu là phụ nữ. 
 
Cho đến nay, phong trào phân loại rác thải tại nguồn không chỉ triển khai ở Đạ Tẻh mà còn lan rộng ra nhiều huyện, thành khác trong tỉnh. Mục tiêu của chương trình này là sử dụng nguồn rác thải hữu cơ để làm phân bón cho vườn cây. Cùng đó là tách rác thải nhựa ra khỏi rác thông thường để tái chế, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật cũng từng bước được ngành chức năng vận động dân thu gom vào các bể đặt trên đồng ruộng, được đưa đi xử lý đúng theo quy định. 
 
Như đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong tỉnh những năm gần đây ngày càng được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi được các cấp chú trọng. Trong trồng trọt, tỉnh khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp; trong chăn nuôi, sử dụng các mô hình xử lý môi trường, làm hầm Biogas theo công nghệ mới, qui hoạch lại các vùng, đưa chăn nuôi ra khỏi các khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến môi trường sống; vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện thường xuyên vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường chung quanh; tiêu độc khử trùng, xây dựng chuồng trại kiểu mới, xây tường cách ly, sử dụng sinh phẩm để xử lý chất thải. 
 
Trong các vùng nông thôn, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các đoàn thể vận động người dân phân loại rác thải và xử lý chất thải hữu cơ tại nhà làm phân bón, thu gom rác thải về xử lý tại các bãi rác chung của huyện. Tỷ lệ rác thải thu gom và xử lý trong các vùng đô thị cũng được nâng lên, toàn tỉnh có 3 nhà máy xử lý rác thải tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Đơn Dương đang hoạt động và sắp đến sẽ có thêm các nhà máy xử lý rác khác đang được kêu gọi đầu tư. 
 
Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong giai đoạn 2016 - 2021 đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp về quản lý, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra của tỉnh. Công tác bảo vệ môi trường nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường cũng từng bước được nâng lên. Bảo vệ môi trường đến nay không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành chức năng quản lý mà đã được sự quan tâm và chung tay góp sức của mọi tầng lớp trong xã hội.
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch, đề án của ngành, địa phương. Đến nay hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành lập mới trong tỉnh đều có hồ sơ môi trường theo đúng quy định, có các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đạt quy chuẩn. Nội dung bảo vệ môi trường cũng được đưa vào các cam kết, hương ước trong các cộng đồng dân cư, là tiêu chí quan trọng để xem xét, công nhận nông thôn mới, xem xét gia đình, thôn, buôn, khu phố và cơ quan văn hóa. Tất cả đã góp phần không nhỏ để tạo cảnh quan môi trường ngày càng “xanh - sạch - đẹp”. 
 
 TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ 
 
Tuy nhiên,  bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Một số chỉ tiêu về môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vẫn tồn tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có những cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải còn thấp, hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về ô nhiễm môi trường chưa cao, thiếu chủ động; hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị để quản lý môi trường còn thiếu đồng bộ.  Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa chú trọng lãnh đạo nhiệm vụ bảo vệ môi trường; công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa được quan tâm đúng mức, việc ngăn chặn, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kịp thời… Tỉnh ủy yêu cầu trong bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính, kết hợp xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước, huy động nguồn lực trong xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống. Đây là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của các cơ quan nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội... Cần nâng cao năng lực quản lý, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
 
Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân. Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật góp phần đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 trở thành tỉnh khá của cả nước; đến 2030 trở thành tỉnh khá toàn diện, tự cân đối được ngân sách, có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương; đến năm 2045, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Chỉ tiêu đặt ra trong 3 năm đến, toàn bộ cán bộ, công chức, đảng viên được phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về bảo vệ môi trường; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt chuẩn về môi trường đạt 95%; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 55%; toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được xử lý; tăng cường kiểm soát, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Trong 3 năm đến, tất cả các khu công nghiệp đang hoạt động đều phải có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 50% các cụm công nghiệp trong tỉnh có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đúng quy định tại nông thôn đạt 60%, đô thị đạt trên 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đúng quy định đạt 85%; tỷ lệ hộ dân vùng đô thị sử dụng nước sạch đạt 80% trở lên; tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%; tỷ lệ chi ngân sách nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách tỉnh.
 
Đến năm 2030, Lâm Đồng phấn đấu toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt chuẩn về môi trường theo chỉ tiêu về môi trường quốc gia; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ổn định và đạt trên 56%; giảm 10% lượng khí phát thải nhà kính.
 
Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; toàn bộ các khu công nghiệp trên địa bàn đều phải có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung đạt quy chuẩn môi trường; toàn bộ các cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đúng quy định tại nông thôn đạt 85%, đô thị đạt 99%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đúng quy định đạt 90%; tỷ lệ hộ dân vùng đô thị sử dụng nước sạch đạt 90% trở lên; tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ chi ngân sách nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách tỉnh.
 
(CÒN NỮA)
 
VIẾT TRỌNG

Báo Lâm Đồng