Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách

08/08/2022 07:46 AM


Được sự giám sát, chỉ đạo của Ban Đại diện Hội đồng quản trị, sự phối hợp của các đơn vị, đoàn thể, công tác tuyên truyền, cho vay đúng đối tượng nên nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bảo Lâm đã phát huy hiệu quả, có tác động tích cực, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội của địa phương. 
 
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm tổ chức giao dịch tại UBND xã, qua đó tiết kiệm chi phí đi lại và bảo đảm an toàn cho người dân
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm tổ chức giao dịch tại UBND xã, qua đó tiết kiệm chi phí đi lại và bảo đảm an toàn cho người dân
 
Qua 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm đã thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn với các nội dung như: thực hiện rà soát, nắm bắt nhu cầu đối tượng vay vốn, bình xét hộ vay; giám sát, hướng dẫn quá trình sử dụng vốn vay của các hộ và hình thành mạng lưới các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đến từng thôn, bản.
 
Bà Trương Thị Lệ Phương - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm cho biết: Tính đến hết tháng 7/2022, đơn vị đang cho vay với tổng dư nợ đạt hơn 495 tỷ đồng, đạt 77,49% kế hoạch năm, với gần 10 nghìn hộ gia đình vay, bình quân dư nợ đạt gần 50 triệu đồng/hộ. Trong đó, riêng hoạt động cho vay thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 66,9 tỷ đồng để cho 785 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để thoát nghèo bền vững; cho vay 21,3 tỷ đồng/1.069 lượt hộ vay vốn theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây mới và cải tạo các công trình nước sạch vệ sinh đạt chuẩn quốc gia. 
 
Đặc biệt, từ tháng 4/2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm được phân giao chỉ tiêu cho vay theo các chương trình Nghị quyết 11 của Chính phủ là 8,5 tỷ đồng, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện phân giao chỉ tiêu và phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện. Qua đó, đã kịp thời cho vay tạo việc làm cho hơn 60 lao động trở về địa phương do đại dịch COVID-19 có việc làm, tạo sinh kế; đồng thời, cho 70 trường hợp các gia đình được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học trực tuyến cho con em. 
 
Hiện nay, cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm không chỉ dừng lại ở khâu cho vay, thu nợ, giám sát sử dụng vốn, mà còn hướng dẫn, tư vấn người dân phương thức sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả. Nhờ đó, đồng vốn được cho vay đã phát huy hiệu quả nên tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 229 triệu đồng, chiếm 0,05%/ tổng dư nợ. Bên cạnh đó, nợ khoanh của đơn vị hiện chỉ là hơn 1 tỷ đồng, chiếm 0,21%/tổng dư nợ. Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm cho biết thêm, tới đây đơn vị sẽ tổ chức tốt hơn nữa việc cho vay quay vòng, từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách luôn có vốn để chủ động sản xuất, chăn nuôi hiệu quả nhất.
 
Ngoài ra, việc huy động vốn cũng được Phòng Giao dịch đẩy mạnh thực hiện với doanh số đạt hơn 70 tỷ đồng, đạt 106,4% kế hoạch năm. Trong đó, tiền gửi từ tổ chức cá nhân đạt 32 tỷ đồng; tiền gửi của tổ viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đạt 38 tỷ đồng, đạt 98,46% kế hoạch năm. Theo bà Trương Thị Lệ Phương, phương thức cho vay thông qua hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua đã thể hiện rõ tính ưu việt của Ngân hàng CSXH theo nguyên tắc bình xét dân chủ, công khai; vốn giải ngân trực tiếp đến người vay nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính tín dụng.
 
Để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiểu rõ các chính sách tín dụng ưu đãi, tiếp cận nhanh với nguồn vốn, thời gian qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, trong quá trình cho người dân vay vốn, thủ tục vay vốn ưu đãi ngày càng thuận tiện, bảo đảm thời hạn quy định của Ngân hàng CSXH. Bên cạnh đó, đơn vị đã duy trì nền nếp, hiệu quả việc tổ chức giao dịch tại UBND xã vào ngày cố định hàng tháng tạo nên hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện, có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí đi lại và bảo đảm an toàn cho người dân. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thường xuyên tổ chức họp giao ban, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con để chủ động tham mưu cho các cấp, các ngành giải quyết những vấn đề phát sinh.
 
“Để nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quản lý chặt chẽ vốn vay, cho vay đúng đối tượng; phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát”, bà Phương cho hay.
 
HOÀNG SA

Báo Lâm Đồng