Suy thoái kinh tế và nỗi trăn trở của người trẻ Nhật Bản

04/12/2014 09:00 AM


Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng lên 10% từ tháng 10/2015 sang tháng 4/2017, giới trẻ nước này cảm thấy lo lắng.

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã hết sức cố gắng, nhưng nền kinh tế đầu tàu này đang rơi vào suy thoái, giảm tăng trưởng trong hai quý liên tiếp. Giới trẻ Nhật Bản, thế hệ sinh ra trong thời kỳ bong bóng kinh tế hồi đầu những năm 1990, sẽ gánh một khoản nợ quốc gia hơn 1 tỉ triệu yên. Cô Mai Yamaguchi, nhân viên kinh doanh 29 tuổi, tỏ ra không ấn tượng trước quyết định của ông Abe: "Hệ thống lương hưu đang bên bờ vực phá sản. Tôi nghĩ rằng, cần tăng thuế như kế hoạch đã định. Điều đó cần thiết cho tương lai của thế hệ sau. Chăm sóc trẻ em, người già và phúc lợi xã hội sẽ là gánh nặng ngày càng lớn đối với chúng tôi". Do tỉ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng, dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đang giảm nhanh chóng, trong khi số người về hưu và người cao tuổi ngày càng tăng. Tình trạng dân số già trong xã hội Nhật Bản được cảm nhận rõ ràng khi nhìn vào dòng người đi bộ trên phố, trên phương tiện truyền thông và trong các cuộc tranh luận chính trị. Ryosuke Sunaga, một sinh viên đại học nói rằng, anh hy vọng thuế tiêu dùng sẽ tăng lên ít nhất 15% vào thời điểm anh có con cái. Hiện mức thuế này là 8% sau khi được tăng lên từ 5% vào tháng 4 vừa qua.

Đồng thời với việc hoãn tăng thuế, Thủ tướng Abe cũng đã giải tán Hạ viện vào ngày 21/11 để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14/12. Ông cam kết đẩy lùi tình trạng trì trệ kéo dài của nền kinh tế bằng việc bơm thêm hàng chục nghìn tỉ yên (hàng trăm tỉ USD), đẩy giá cao hơn và kéo thấp xuống giá trị tiền tệ của Nhật. Thủ tướng Abe hứa hẹn thực hiện cuộc cải tổ sâu rộng và mạnh mẽ, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, học thuyết "Abenomics" mang lại những kết quả pha trộn. Lợi nhuận của các nhà xuất khẩu tăng lên nhờ đồng yên yếu đi, nhưng chi phí cao làm ảnh hưởng đến những công ty nhỏ và các hộ gia đình. Mặc dù được tăng lương, nhưng nhiều người dân ở Nhật cảm thấy không yên tâm hơn trước. Trong hai thập kỷ qua, các công ty Nhật Bản đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối thủ từ Trung Quốc. Hiện cứ 10 người Nhật Bản thì có 4 người làm việc bán thời gian hoặc làm hợp đồng với đồng lương và trợ cấp ít ỏi.

Trong khi Nhật Bản đang gấp gáp chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 12 tới, Thủ tướng Abe làm mới chiến dịch vận động bằng cách thuyết phục các công ty Nhật Bản tăng lương và tạo nhiều cơ hội cho lao động nữ. Ông cũng hứa cắt giảm thuế doanh nghiệp vào đầu năm tới để thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Abe lại mạnh tay cắt giảm trợ cấp xã hội, tăng bảo hiểm y tế cho cả những người về hưu. Vậy là, cuối cùng những người đóng thuế ở Nhật Bản thậm chí còn phải gánh vác thêm phần chi phí tăng thêm của Chính phủ về bảo hiểm y tế, hưu trí, chăm sóc người già. Sinh viên Yuto Tanaka nói, anh biết rằng mỗi người Nhật Bản gánh trên vai khoản nợ hàng chục nghìn USD nhưng phiền muộn hay tăng thuế ngay lập tức cũng không giải quyết được vấn đề: "Chúng tôi phải hy vọng. Nếu nền kinh tế Nhật Bản vỡ vụn, xã hội cũng sẽ kết thúc, và chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng rối ren".

Theo LĐCT