Tạm ứng trên 520 tỷ đồng thực hiện trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội

24/11/2014 08:25 AM


Bộ Tài chính vừa quyết định tạm ứng trên 520 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho 9 địa phương để thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi và người khuyết tật năm 2014 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách An sinh xã hội giai đoạn 2012-2015.

Mức tạm ứng kinh phí cho các địa phương cụ thể như sau: Tỉnh Long An 102,086 tỷ đồng, tỉnh Tây Ninh 91,439 tỷ đồng, tỉnh An Giang 134,15 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam 77,204 tỷ đồng, tỉnh Hòa Bình 36,246 tỷ đồng, tỉnh Bắc Giang 19,666 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ 15,891 tỷ đồng, tỉnh Tuyên Quang 13,041 tỷ đồng và tỉnh Lạng Sơn 30,585 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với tỉnh Bắc Kạn và TP. Cần Thơ, kinh phí thực hiện trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội năm 2012 và 2013 còn dư (tỉnh Bắc Kạn là 8,4 tỷ đồng và TP. Cần Thơ là 10,6 tỷ đồng), Bộ Tài chính đề nghị chuyển nguồn kinh phí này sang năm 2014 để thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, theo Trung ương Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, tính đến ngày 15/11/2014, toàn quốc đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí 453 đợt cho 152.060 người, với tổng kinh phí huy động hơn 19 tỷ đồng; tặng 25.682 suất quà trị giá gần 7 tỷ đồng. Riêng trong ngày phát động Chiến dịch (2/11/2014), 09 đoàn y, bác sĩ, tình nguyện viên của Trung ương đã ra quân khám, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho đồng bào tại các huyện nghèo. 16 tỉnh, thành đã hưởng ứng, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo tại địa phương, gồm Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Phú Yên, Trà Vinh, thành phố Hồ Chí Minh, Lai Châu, Cao Bằng và Sơn La. Đáng chú ý, trong ngày này, các đoàn đã khám, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 11.551 người dân nghèo. Đến nay, đã có 11 tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo (An Giang, Bến Tre, Đắc Lắc, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Long An, Thái Bình, Hà Tĩnh) và 05 tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện (Bến Tre, Đồng Tháp, Đắc Lắc, Hải Phòng, Thái Bình).

Trước đó, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Dân vận TƯ về việc sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 292-TB/TW của Ban Bí thư về giải quyết hậu quả chất độc hóa học và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Theo Ban Chỉ đạo 33, đơn vị này đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành và địa phương liên quan đánh giá, tổng kết việc thực hiện Quyết định số 67/2004/QĐ-TTg ngày 27/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động giai đoạn 2004 -2010 khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để làm cơ sở rút kinh nghiệm, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu phục chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam từ nay đến 2015 và tính đến năm 2020” (Quyết định số 651/QĐ-TTg). Đồng thời, triển khai có hiệu quả “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam từ nay đến 2015 và tính đến năm 2020” nhằm khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học dioxin ở Việt Nam.

Những năm vừa qua, Ban Chỉ đạo 33 cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp để triển khai có hiệu quả công tác khắc phục ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân; xử lý các điểm ô nhiễm nặng; đấu tranh để phía Hoa Kỳ có trách nhiệm trong việc xử lý ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo còn phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông tổ chức tuyên truyền về hậu quả chất độc hóa học và vận động cộng đồng tham gia khắc phục cơ bản chất độc hóa học dioxin ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện Thông báo Kết luận số 292–TB/TW vẫn còn một số hạn chế, trong đó, ở một số địa phương và cơ quan Trung ương chưa quán triệt đầy đủ tới cấp ủy, chính quyền cấp dưới hoặc làm chậm và mang tính hình thức. Đời sống nạn nhân da cam còn nhiều khó khăn, nhất là các bệnh nhân nặng. Các chính sách đối với nạn nhân mới giải quyết được một phần, số hồ sơ còn tồn đọng còn rất nhiều, nhiều nạn nhân nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan chuyên trách có nơi chưa chặt chẽ, còn thiếu đồng bộ.

Để phát huy và duy trì kết quả hơn nữa hiệu quả chỉ đạo thực hiện, đề nghị Chính phủ xem xét và đồng ý với đề xuất của Ban chỉ đạo 33 về kiện toàn Ban chỉ đạo sao cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ khắc phục hậu quả được giao trong quyết định 651. Đồng thời, Ban chỉ đạo cần có sự phối hợp hành động và có sự chỉ đạo thống nhất. Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực để triển khai có hiệu quả Quyết định 651 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả của chất độc hóa học giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020” với mục tiêu là khắc phục cơ bản hậu quả của chất độc hóa học đối với con người và môi trường.

Theo Chinhphu.vn