Luật BHXH sửa đổi quy định cách tính lương hưu mới

20/11/2014 07:06 AM


Sáng nay 20/11/2014, tại Hội trường Ba Đình, trong phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội (QH) lấy ý kiến biểu quyết của các ĐBQH để thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Quoc hoi 201114.jpg

QH biểu quyết thông qua dự thảo Luật BHXH sửa đổi- Nguồn: TNO

Kết quả, có 424 ĐB tham gia biểu quyết (chiếm 85,31% tổng số ĐBQH). Trong đó, có 355 ĐB tán thành (chiếm 71,43%); 59 ĐB không tán thành (chiếm 11,87%) và 10 ĐB không biểu quyết (chiếm 2,01%). Như vậy, với đa số ĐB tán thành, QH đã thông qua dự thảo Luật BHXH sửa đổi gồm 9 chương, 125 điều và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Theo nội dung dự thảo Luật BHXH sửa đổi vừa được QH thông qua, từ 01/01/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam.

Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương tứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, việc thực hiện theo lộ trình như thế để NLĐ có thời gian thích nghi với chính sách mới, giảm thiểu tác động bất lợi với người nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

Ngoài ra, mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi Luật có hiệu lực thi hành 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay cán bộ nữ ở cơ sở khi đủ 55 tuổi đã có 15 năm đóng BHXH khó có điều kiện để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động và chính sách này cũng không ảnh hưởng đến cân đối Quỹ BHXH. Do vậy, Ủy ban thường vụ QH xin QH cho giữ như khoản 3 Điều 54: “Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu”.

Đối với nhóm lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, luật đã quy định nhóm lao động nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi từ đủ 50 - 55 tuổi, trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì nghỉ hưu khi đủ 46 tuổi nhưng phải có đủ 20 năm đóng BHXH, tuy nhiên khi mức lương hưu của nhóm này thấp hơn mức lương cơ sở thì họ sẽ được điều chỉnh bằng mức lương cơ sở.

Luật BHXH sửa đổi lần này cũng mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia BHXH buộc gồm: NLĐ có hợp đồng lao động từ 01-03 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Luật BHXH sửa đổi quy định, cơ quan BHXH cũng được giao thêm chức năng thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ việc khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được thêm 1 tháng. Người chồng cũng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh thường và 7 ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non. Trường hợp vợ sinh đôi, thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày...

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn