Tập huấn điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và tác động đến cân đối tài chính quỹ BHXH

18/11/2014 08:51 AM


Trong 02 ngày 18 – 19/11, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Văn phòng đại diện Hanns Seidel Foudation HSF tại Việt Nam (CHLB Đức) tổ chức Hội nghị tập huấn điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và tác động đến cân đối tài chính Quỹ BHXH.

Hội nghị tập trung nghe và thảo luận về các chuyên đề: cơ sở lý luận về An sinh xã hội và mở rộng độ bao phủ của An sinh xã hội; khả năng mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH giai đoạn đến 2050; phương pháp luận dự báo Quỹ BHXH và tác động của các yếu tố kinh tế xã hội đến cân bằng Quỹ BHXH; mô hình dự báo Quỹ BH hưu trí Việt Nam; quản lý, cân đối và đầu tư Quỹ BHXH – kinh nghiệm của CHLB Đức; giải pháp quản lý, cân đối và đầu tư Quỹ BHXH Việt Nam.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày hệ thống An sinh xã hội Việt Nam được phân ra làm 04 nhóm (nhóm đảm bảo việc làm, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; nhóm BHXH được phân ra BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp; BHYT; nhóm trợ giúp xã hội và nhóm dịch vụ xã hội cơ bản).

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống An sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; bảo đảm hỗ trợ các nhóm có hoàn cánh khó khăn; bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch thông tin truyền thông), góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu An sinh xã hội đề ra, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: Nhà nước xây dựng cơ chế để mọi người dân có quyền tham gia; có sự hỗ trợ một phần cho người thất nghiệp, người cận nghèo, người dân có mức thu nhập dưới mức trung bình và người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH, BHYT; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận giáo dục, dịch vụ xã hội, phát triển y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm nhà ở tối thiểu; nước sạch; tằng cường thông tin đến người dân nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn và thực hiện các trợ giúp xã hội... Nhà nước tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện An sinh xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân; tằng cường quản lý nhà nước về An sinh xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực An sinh xã hội, tranh thủ nguồn lực quốc tế, hợp tác chuyên gia.

Về thực trạng chính sách BHXH tại Việt Nam, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: Việt Nam đang dần hoàn chỉnh về chính sách BHXH, mục tiêu đặt ra hướng đến BHXH cho mọi người lao động. Tuy vậy, tỷ lệ bao phủ của BHXH bắt buộc còn thấp so với dân số trong độ tuổi lao động, chỉ đạt 20,04% vào năm 2013, bảo phủ ít hơn 01/05 lực lượng lao động; BHXH tự nguyện còn ở vị trí khá khiêm tốn, năm 2013, mới chiếm 0,29% lực lượng lao động. Để đạt được mục tiêu tăng nhanh diện tham gia BHXH đến năm 2015 có ít nhất 18,5 triệu người tham gia BHXH; đến năm 2020 có ít nhất 30 triệu người tham gia BHXH, chiếm 50% lực lượng lao động sẽ là một thách thức rất lớn. Để thực hiện được điều này, TS Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất: cần tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH khu vực chính thức; tăng cường sự tham gia khu vực phi chính thức thông qua hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó có trợ giúp xã hội đối với nhóm có hoàn cảnh khó khăn. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cần tính đến xu thế và qui mô nhân khẩu, mức độ tham gia thị trường lao động và sự phát triển khu vực kinh tế chính thức có vai trò quan trọng; nâng cao nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động, cải cách chế độ đóng theo từng nhóm sang cá nhân; có chế tài xử phạt đủ mạnh tăng mức độ tuân thủ tham gia BHXH; tăng dần mức tiền lương khai báo so với tổng thu nhập; hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối, dịch vụ có chất lượng và hiện đại. Đối với BHXH tự nguyện vấn đề quan trọng là tạo sự thu hút của người dân tham gia; tạo sân chơi bình đẳng giữa chế độ ngắn hạn và dài hạn; thiết kế chính sách linh hoạt, phù hợp với khả năng của đối tượng tham gia; có hỗ trợ của nhà nước đối với người có hoàn cảnh đặc biệt…

Dự báo về việc cấn đối Quỹ BHXH và đưa ra giải pháp quản lý, cân đối Quỹ BHXH cho Việt Nam, TS. Matthias Meisser, Đại học Bochum, CHLB Đức cho rằng trong 03 chính sách lớn, thì mất cân bằng xảy ra nhanh và trầm trọng hơn đối với Quỹ Hưu trí và tử tuất tại Việt Nam, với mức chi đã chiếm 82,46% năm 2012. Với tình trạng chính sách BHXH như hiện nay, thu BHXH sẽ không đủ để bù chi BHXH tại thời điểm năm 2032 và quỹ sẽ vỡ vào năm 2042. TS. Matthias Meisser đề xuất 02 phương án để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm cân đối Quỹ Hữu trí và tử tuất.

Phương án 01: từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của tấ cả nhóm đối tượng, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 01, thời điểm thu bù chi sẽ kéo dài thêm 06 năm, hay nói cách khác, đến năm 2038 và thời điểm vỡ quỹ sẽ được kéo dài đến sau 2049.

Phương án 02: từ năm 2020 trở đi nếu điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của tất cả nhóm đối tượng, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Nếu bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 02, thời điểm thu bù chi cũng kéo dài thêm 05 năm 2037 và thời điểm vỡ quỹ chỉ kéo dài đến năm 2049.

Phát biểu tại hội nghị, ông Axel Neubert, Trưởng đại điện Văn Phòng HSF tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế, bảo đảm An sinh xã hội, giảm nghèo…Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế quá nhanh cũng tác động tới khoảng cách giầu nghèo trong nhóm dân cư, nhất là nhóm người nghèo và nhóm người có thu nhập thấp. Để đảm bảo mọi người đều có quyền bình đẳng, tiếp cận được dịch vụ tối thiểu thì hệ thống An sinh xã hội cần được phát triển bên vững, sẽ giảm thiểu khoảng cách trong các nhóm thu nhập. Hiện nay, Việt nam có số người tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lực lượng lao động phải tham gia; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp; vì vậy thông qua đợt đào tạo này sẽ là cơ hội rất tốt để rà soát chính sách BHXH của Việt Nam, có giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHXH./.

Nguồn TC BHXH