Y tế dự phòng, trăm bề khó khăn

18/11/2014 08:46 AM


Y tế dự phòng luôn được xác định là khâu trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, hiện nay, ngành y tế dự phòng (YTDP) tại TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn do thiếu hụt nhân lực và chưa thu hút người dân tới khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã, phường.

Khó tuyển bác sĩ

Nỗi lo lớn nhất của ngành YTDP vẫn là nguồn nhân lực. Nhiều năm qua, không ít trung tâm YTDP tại TP Hồ Chí Minh khó tuyển được bác sĩ, nhất là bác sĩ được đào tạo bài bản về chuyên ngành này. Giám đốc Trung tâm YTDP quận 2 Phan Thành Phước cho biết, từ lãnh đạo Trung tâm YTDP quận tới cán bộ khoa kiểm soát dịch bệnh cũng như mạng lưới giám sát, điều tra, xử lý dịch bệnh… còn thiếu kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, chưa được đào tạo chính quy về YTDP. Điều này ảnh hưởng khả năng dự báo dịch, bệnh. Nhiều năm qua, trung tâm không thể tuyển được bác sĩ cho hệ dự phòng, ngay cả bác sĩ về hưu cũng không muốn về làm.

Theo thống kê của Trung tâm YTDP quận Bình Thạnh, tỷ lệ cán bộ, viên chức thuộc trung tâm có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học còn thấp, chỉ chiếm hơn 23%. Việc tuyển dụng bác sĩ bổ sung cho tuyến quận, phường gặp nhiều khó khăn. Từ khi thành lập, trung tâm chỉ tuyển được hai bác sĩ, nhưng một người làm được một tuần thì nghỉ, người còn lại cũng chỉ làm được một tháng. Toàn quận còn bốn trong số 20 trạm y tế vẫn chưa có bác sĩ.

Tương tự, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP quận 5 Nguyễn Quốc Việt cho biết, hiện đơn vị chỉ có 12 trong số 15 trạm y tế có bác sĩ thường xuyên. Ngành YTDP quận được giao 142 biên chế, nhưng để mỗi trạm y tế phường có 8-10 biên chế phải cần thêm gần 20 biên chế nữa.

Thực tế, để có bác sĩ cho các trạm y tế, trung tâm YTDP các quận, huyện phải chuyển các bác sĩ từ trung tâm về hỗ trợ cho các trạm y tế. Nguồn bác sĩ bổ sung cho ngành chủ yếu được đào tạo theo hình thức liên thông, chuyên tu từ lực lượng sẵn có của các trung tâm.

Trạm y tế vẫn thiếu “sức hút”

Ngoài chức năng tham gia phòng, chống dịch bệnh, các trạm y tế xã, phường còn có vai trò khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Điều đáng ghi nhận là TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, phường như: triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) tại các trạm y tế. Hiện, hơn 80 trạm y tế trên địa bàn đã có phòng khám bác sĩ gia đình. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong năm 2014 phấn đấu triển khai 50% các trạm y tế; đến năm 2015 đạt 100% số trạm y tế có phòng khám bác sĩ gia đình. Thế nhưng, tại nhiều quận, huyện, các mô hình này vẫn chưa đủ sức hút với người dân và nhiều trạm y tế vẫn trong cảnh đìu hiu.

Tại quận 8, từ cuối năm 2013, Trạm Y tế phường 9 và Trạm Y tế phường 16 đã nhận khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nhưng tới nay, Trạm Y tế phường 9 chỉ có hai thẻ đăng ký và Trạm Y tế phường 16 có bốn thẻ đăng ký. Phó Giám đốc Bệnh viện quận 8 Trần Quốc Hùng cho rằng, người dân ngại không muốn khám, chữa bệnh tại các trạm y tế phường vì thuốc điều trị rất ít, chủ yếu là các thuốc chữa bệnh thông thường. Người dân còn có nhiều lựa chọn đăng ký khám, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện lớn, phòng khám tư nhân.

Tại quận 5, mô hình bác sĩ gia đình được triển khai tại ba trạm y tế phường nhưng chỉ có một trạm có bốn người đăng ký. Quận Bình Thạnh đã triển khai thí điểm khám bệnh BHYT tại ba phường, tuy nhiên, số thẻ đăng ký tại các phường thấp, trong đó phường 11 có 89 thẻ, phường 21 có 90 thẻ, phường 24 có 31 thẻ. Quận Gò Vấp, triển khai năm phòng khám bác sĩ gia đình cũng chỉ có chín người đăng ký. Đại diện Trung tâm YTDP quận Gò Vấp cho rằng, các phòng khám này chưa hiệu quả do chưa triển khai được BHYT toàn dân, nhân lực các trạm y tế chưa đủ.

Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết, theo quy định bác sĩ mới được khám, chữa bệnh và y sĩ không được phép khám bệnh. Hiện, mỗi trạm y tế chỉ có một bác sĩ, gặp ngày bác sĩ đi vắng, người dân đến khám bệnh lại phải hẹn ngày khác, cho nên không muốn tới trạm y tế. Khắc phục tình trạng này, mỗi trạm y tế phải có hai bác sĩ để khi vắng bác sĩ này thì có bác sĩ khác khám bệnh.

Tháo "nút thắt" cho y tế dự phòng

Đại diện các trung tâm YTDP quận, huyện cho rằng, ngành khó tuyển bác sĩ do mức thu nhập bác sĩ hệ dự phòng thấp hơn nhiều so với bác sĩ hệ điều trị. Đến nay, bác sĩ dự phòng không được cấp giấy phép hành nghề y tư nhân. Thêm vào đó, trạm y tế có 11 nhiệm vụ, vì vậy, ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ tại đây phải làm nhiều việc khác nhau cho nên bác sĩ không muốn về làm việc. Giám đốc Trung tâm YTDP quận 2 Phan Thành Phước kiến nghị, thành phố cần hỗ trợ thêm 0,8 hệ số lương cơ bản cho nhân viên ngành YTDP. Bên cạnh đó, cần sớm chuyển trung tâm YTDP thành trung tâm y tế giúp bác sĩ hệ dự phòng được cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.

Để thu hút người dân đăng ký khám, chữa bệnh bằng BHYT tại trạm y tế, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP quận 5 Nguyễn Quốc Việt cho rằng: Cần có cơ chế để trung tâm YTDP quận được trực tiếp ký với Bảo hiểm xã hội về đăng ký khám, chữa bệnh bằng BHYT tại trạm y tế phường thay vì phải thông qua bệnh viện quận (vốn không có chức năng quản lý các trạm y tế) như hiện nay. Việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế, phải có lộ trình lâu dài, vì hiện nay nhân sự và trang thiết bị chưa thể đáp ứng được theo nhu cầu.

Theo Báo Nhân dân