Nghề mưu sinh nặng nhọc, nguy hiểm

18/11/2014 08:38 AM


Để kiếm được cá, mực… phục vụ đời sống gia đình, nuôi con ăn học và nhu cầu xã hội, những ngư dân luôn phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro. Họ bất chấp công việc nặng nhọc, độc hại, thường dẫn tới các bệnh nghề nghiệp. Họ sẵn sàng đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và cả “tàu lạ” tấn công, đe dọa tính mạng.

Không bệnh tật mới là chuyện lạ

Đó là tâm sự của anh Hoàng Hữu Thu - ngư dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Theo anh Thu, nghề đánh bắt thủy sản trên biển rất vất vả, bởi vậy chỉ có đàn ông khỏe mạnh mới dám đi đánh bắt xa bờ. “Trên tàu, với không gian chật hẹp, gò bó, tư thế làm bị vặn vẹo, lại phải làm việc suốt 12 tiếng đồng hồ/ngày đêm, nên anh em thường bị đau mắt, nhức mỏi, tê thấp, ho hen và ức chế tâm lý. Khổ nhất là khi thời tiết lạnh giá, giông bão. Nhưng không làm thì cả nhà lại đói, đành chấp nhận thôi” - anh Thu chia sẻ. Chung nỗi niềm với anh Thu, anh Lê Khởi - ngư dân ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) - cho biết: Nghề này rất nặng nhọc nên có đến gần nửa số ngư dân trong xã bị mắc các bệnh tê thấp, tai biến, hen suyễn, tim mạch, đau xương, đau khớp.

Chứng kiến sự vất vả của ngư dân, ông Nguyễn Văn Trưa - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Thuận - nhìn nhận: “Điều kiện làm việc của ngư dân thuộc loại căng thẳng, nặng nhọc, đặc biệt nghề lưới cản có ngày phải làm đến 21 giờ. Nếu lưới bị rách, thì họ còn mất ngủ hoàn toàn”.

Bởi vậy, Quyết định 1152/LĐTBXH ngày 18.9.2013 của Bộ LĐTBXH đã xếp công việc của CB, thuyền viên làm việc trên tàu thu mua, vận tải thủy sản trên biển là công việc nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của sóng, gió, ồn, rung, thuộc nhóm điều kiện LĐ loại V. Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH, ngày 28.12.2012 của Bộ LĐTBXH xếp nghề lặn biển (thuộc nghề nuôi cá lồng biển) phải thường xuyên lặn sâu trên 10 mét để kiểm tra lồng là điều kiện LĐ loại VI (mức nặng nhọc, nguy hiểm nhất). Trước đó, Quyết định 190/LĐTBXH, ngày 3.3.1999 của Bộ LĐTBXH cũng xếp việc lặn bắt các loại hải sản tự nhiên dưới đáy biển là công việc rất nặng nhọc và rất nguy hiểm; việc bốc xếp thủ công ở dưới các hầm tàu đánh bắt cá là công việc rất nặng nhọc, nơi làm việc chật hẹp, thiếu dưỡng khí, tư thế LĐ gò bó vào nhóm điều kiện LĐ loại VI…

Tai họa luôn rình rập ngư dân

Theo LĐLĐ tỉnh Phú Yên, qua thống kê của tỉnh từ năm 2012 đến nay, cả tỉnh đã có 11 tàu bị nạn do va phải đá ngầm, hỏng máy, gặp gió lớn bị chìm tàu, cháy tàu… khiến 9 trường hợp bị chết và mất tích. Điển hình là vào ngày 2.6.2014, tàu cá PY 90161 TS khi đang neo đậu tại thị trấn Hòa Hiệp Trung để chuẩn bị đi đánh bắt xa bờ thì bị chập điện bình ắcquy gây cháy tàu, thiệt hại 110 triệu đồng. Vào ngày 22.12.2013, tàu cá PY 91054 TS đang tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa thì máy bị hư. Ông Lê Công Hiệp xuống hầm sửa máy thì bị trượt chân ngã, đầu đập mạnh vào máy tàu, sau đó bị chết trên đường đi cấp cứu. Có trường hợp bị mất tích do rơi từ thúng câu mực xuống biển…

Đáng sợ hơn, việc 90 ngư dân trong xã bị chết do chìm tàu trong cơn bão Chanchu (năm 2006), tới nay vẫn còn ám ảnh nhiều người dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam).

Về tai nạn của ngư dân trên biển, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - ông Đặng Ngọc Tùng - cho hay: “Thực tế không chỉ ở VN, mà trên thế giới, nghề khai thác thủy sản trên biển đã được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm, nặng nhọc nhất. Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, trung bình mỗi ngày có 70 ngư dân thiệt mạng. Hằng năm có ít nhất 24.000 ngư dân chết do tai nạn trong quá trình tham gia hoạt động khai thác trên biển. Tại VN, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số ngư dân thiệt hại hằng năm, nhưng theo kết quả điều tra, tính từ năm 1980 đến 1989 đã có 5.850 vụ tai nạn tàu cá, trung bình mỗi năm có 600 vụ tai nạn xảy ra”.

Ngư dân đi biển luôn phải đối mặt với bao thứ hiểm nguy. Đó là chưa kể nhiều lần họ bị tàu nước ngoài ngang ngược tấn công, cướp tàu, cướp cá, cướp ngư cụ và đánh đập, đòi tiền chuộc...

Theo Báo ANTĐ