Thực hiện tốt vai trò trách nhiệm trong quản lý giá thuốc

30/06/2016 07:04 AM


Vừa qua Luật Dược (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, cùng với những quy định tại Luật Đấu thầu số 43, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, với những quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan BHXH trong quản lý giá thuốc sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT.


Theo số liệu thống kê giai đoạn 2009-2012, tỷ trọng tiền thuốc và vật tư y tế (VTYT) chiếm khoảng 65-66% tổng chi khám, chữa bệnh BHYT; trong đó, riêng chi phí thuốc chiếm 60-62%. Năm 2014, tỷ trọng chi phí thuốc BHYT đã giảm còn 50,9%, chi phí VTYT là 4,5%. Theo số liệu tính đến hết tháng 09/2015, chi phí thuốc chiếm 48,7%, chi phí VTYT bằng 5,6% tổng chi khám, chữa bệnh BHYT.

Mặc dù đã có những chuyển biến khá mạnh mẽ, tuy nhiên, công tác quản lý thuốc, VTYT trong hoạt động khám, chữa bệnh BHYT là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi luôn luôn phải được quan tâm chú trọng, tăng cường nhiều giải pháp tích cực, nhằm bảo đảm việc quản lý, cung ứng, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, VTYT có chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu điều trị, nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT trong thời gian tới.

Trong năm 2014-2015, có 55 địa phương tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, 05 địa phương đấu thầu đại diện, 03 địa phương và các cơ sở y tế Trung ương, Bộ, ngành đấu thầu đơn lẻ. Cả nước hiện có khoảng 150 hội đồng đấu thầu thuốc.

Đa số tại các địa phương, cơ quan BHXH đã cử thành viên tham gia đầy đủ vào các khâu (thẩm định kế hoạch đầu thầu, xây dựng hồ sơ mời thầu, xét thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu) theo quy định. BHXH Việt Nam cũng cử cán bộ trực tiếp tham gia vào thẩm định kế hoạch đầu thầu thuốc của các bệnh viện Trung ương thuộc Bộ Y tế.

Hiệu quả của việc tham gia vào quá trình đầu thầu thuốc của cơ quan BHXH đã được Quốc hội và các địa phương ghi nhận, tác động tích cực đến kết quả lựa chọn nhà thầu (giá thuốc, lựa chọn thuốc), góp phần khắc phục nhiều bất hợp lý trong kế hoạch đấu thầu của các cơ sở y tế thời gian trước đó, cụ thể (I) về lựa chọn thuốc, đã tham gia chặt chẽ việc điều chỉnh, thống nhất cách ghi các thông tin của thuốc (đường dùng, dạng bào chế, đơn vị tính) để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu; xây dựng số lượng và tỷ trọng sử dụng hợp lý thuốc biệt dược gốc và các nhóm thuốc; hạn chế lựa chọn các thuốc có hàm lượng không thông dụng có giá cao bất hợp lý; (II) về giá thuốc, đã chủ động tham gia cụ thể và yêu cầu điều chỉnh đối với giá thuốc kế hoạch, nhất là thuốc có giá chênh lệch bất hợp lý giữa các nhóm thuốc, giữa các loại hàm lượng...

Vì vậy, đã giúp tiết kiệm được đáng kể chi phí mua thuốc tại nhiều địa phương (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nam, các bệnh viện Trung ương thuộc Bộ Y tế...).

Từ việc tham gia cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo xây dựng kế hoạch mua thuốc hợp lý, đã tác động tích cực đến kết quả đấu thầu thuốc, mua được các thuốc có chất lượng, giá cả phù hợp, nhiều thuốc giá đã giảm rõ rệt, ví dụ: so sánh giá thuốc năm 2015 với giá năm 2013 của 12 hoạt chất - với 43 thuốc so sánh (cùng đường dùng, dạng bào chế, hàm lượng, tên thương mại, hãng sản xuất, nước sản xuất): thì có 30 thuốc giảm giá, trong đó có 19 thuốc có giá giảm trên 20%, chỉ có 04 thuốc tăng giá, trong đó không thuốc nào tăng giá trên 20%, số còn lại bằng giá.

Đồng thời, năm 2015 các địa phương đã tăng cường kiểm soát sử dụng và thanh toán thuốc, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc giám định Danh mục thuốc thành phẩm dùng trong cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh điều chỉnh loại khỏi danh mục thuốc thành phẩm những thuốc chưa đúng nguyên tắc (không phù hợp với hạng bệnh viện (vượt tuyến); chưa được quy định trong danh mục thuốc của Bộ Y tế…), đề nghị ưu tiên tăng tỷ trọng sử dụng thuốc generic, thuốc đơn chất, thuốc sản xuất trong nước, sử dụng thuốc có dấu (*) hợp lý... Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nêu trên, công tác quản lý thuốc trong hoạt động khám, chữa bệnh BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục triệt để hơn. Đó là:

- Chưa phát huy đầy đủ vai trò và trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc chuẩn bị và tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch đấu thầu, vì vậy vẫn còn tình trạng tại một số địa phương chậm triển khai gói thầu mới trong khi gói thầu cũ hết hiệu lực; xây dựng kế hoạch không sát với nhu cầu phải mua bổ sung nhiều lần; thiếu danh mục thuốc; không hợp lý về cơ cấu các nhóm thuốc, tỷ trọng thuốc biệt dược vẫn cao, trong khi đã có nhiều loại thuốc nhóm 01; giá kế hoạch cao hơn giá kê khai, kê khai lại; xây dựng kế hoạch mua các thuốc phối hợp đã được Bộ Y tế thông báo kém hiệu quả; xây dựng kế hoạch mua các thuốc phối hợp giá cao bất hợp lý so với đơn chất; mua sắm các thuốc có hàm lượng ít cạnh tranh, giá thuốc trúng thầu cao giá trị trúng thầu lớn (trong số 39 hoạt chất sử dụng nhiều, chi phí lớn, tương ứng với 2118 thuốc tên thương mại (năm 2014), vẫn có 58 thuốc có hàm lượng ít cạnh tranh, giá thuốc trúng thầu cao (giá trị trúng thầu là 563 tỷ, chiếm 5% tổng giá trị trúng thầu của 39 hoạt chất). Tương tự, năm 2015, trong số 34 hoạt chất sử dụng nhiều, chi phí lớn, tương ứng với 1565 thuốc, vẫn còn 59 thuốc có hàm lượng ít cạnh tranh, giá thuốc trúng thầu cao (giá trị trúng thầu là 402 tỷ, chiếm 5% tổng giá trị trúng thầu của 34 hoạt chất).

- Việc kiểm soát sử dụng và thanh toán tại một số địa phương vẫn chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng sử dụng và thanh toán thuốc ngoài danh mục; sử dụng và thanh toán thuốc bổ trợ chưa hợp lý; chưa kiểm soát thanh toán chặt chẽ đối với thuốc phối hợp sử dụng có điều kiện của từng đơn chất; thanh toán chi phí thuốc vượt số lượng kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; sử dụng và thanh toán thuốc vẫn còn tình trạng thanh toán giá thuốc cao hơn giá kê khai, kê khai lại được đăng tải trên trang web của Cục quản lý Dược- Bộ Y tế…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về thuốc, nhằm tạo hành lang quản lý giá thuốc minh bạch, để nhân dân có đủ thuốc, chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng chi trả của người dân.

Cùng với những quy định tại Luật Đấu thầu số 43, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, vừa qua tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Luật Dược (sửa đổi) đã được thông qua, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Theo đó, tại Điều 113, quy định trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong quản lý giá thuốc: Công khai giá thuốc trúng thầu trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và cung cấp giá thuốc trúng thầu đến Bộ Y tế chậm nhất 05 ngày kể từ ngày nhận được kết quả lựa chọn nhà thầu của các cơ sở thực hiện đấu thầu. Luật cũng quy định rõ thời hạn báo cáo kết quả đấu thầu thuốc của các cơ sở KCB: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có kết quả trúng thầu, các cơ sở thực hiện đấu thầu thuốc thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh phải gửi đến Sở Y tế, BHXH cấp tỉnh; các cơ sở y tế  khác có thực hiện đấu thầu thuốc gửi kết quả trúng thầu thuốc đến Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có kết quả trúng thầu thuốc đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, Sở Y tế phải báo cáo kết quả trúng thầu thuốc đến Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư số 09/2016/TT-BYT danh mục thuốc đấu thầu tập trung; Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập thay thế Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC;

Hiện tại, Ban Dược và Vật tư y tế đang tập trung chuẩn bị nội dung tập huấn, tham mưu, xây dựng văn bản hướng dẫn, triển khai các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ngành BHXH, nhằm tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt nhất các quy định về đấu thầu thuốc cũng như quản lý giá thuốc, tiếp tục khẳng định vai trò trách nhiệm của Ngành BHXH trong việc quản lý giá thuốc đã được Luật định.

Để khắc phục các tồn tại hạn chế thời gian vừa qua, phát huy kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tổng Giám đốc giao, hệ thống giám định BHYT, quản lý dược và vật tư y tế trong cả nước cần nỗ lực tập trung làm tốt các yêu cầu sau:

1. Nghiên cứu tham mưu, đề xuất và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm đấu thầu tập trung đối với 01 số thuốc khi được Chính phủ phê duyệt.

2. Tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát việc đấu thầu mua sắm thanh toán chi phí thuốc chặt chẽ, chống lạm dụng, lãng phí, tham nhũng.

3. Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động quản lý, kiểm soát mua sắm, sử dụng, thanh toán thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT.

4. Thực hiện công khai giá thuốc trúng thầu, giá thuốc trúng thầu trung bình đầy đủ, kịp thời để các địa phương, các thành viên hội đồng đấu thầu có nguồn dữ liệu tốt trong tham gia đấu thầu thuốc, quản lý thanh toán chi phí thuốc BHYT.

5. Tiếp tục tăng cường hiệu quả của công tác tham gia đấu thầu thuốc của cơ quan BHXH, khắc phục các tồn tại của đấu thầu thuốc năm trước, của kỳ đấu thầu trước như đã nêu. Trong đó chú trọng các công việc sau:

- Tăng cường nhân lực có kinh nghiệm, tham gia đầy đủ và hiệu quả vào toàn bộ quá trình đấu thầu thuốc;

- Tham gia chặt chẽ, hiệu quả việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc: phải phối hợp chặt chẽ với các cơ sở KCB (1) về nhu cầu số lượng phải tính toán thật sát, căn cứ thực tế mua thuốc, sử dụng thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh của năm trước liền kề và dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc trong năm kế hoạch theo phân tuyến kỹ thuật của cơ sở y tế, tránh xây dựng kế hoạch cảm tính đẩy số lượng quá lớn không hợp lý đối với từng loại thuốc; (2) về xây dựng giá kế hoạch phải thực hiện đầy đủ việc tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Cục Quản lý Dược, của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và/hoặc của BHXH Việt Nam công bố làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc; đồng thời bảo đảm giá kế hoạch do cơ sở y tế đề xuất không vượt giá bán buôn kê khai/kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo; (3) không đưa vào kế hoạch mua sắm sử dụng các loại thuốc có hàm lượng, dạng đóng gói ít cạnh tranh giá cao, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 4837/BYT-BH ngày 7/7/2015; (4) chú ý đảm bảo cơ cấu, tỷ trọng hợp lý các loại thuốc biệt dược gốc, thuốc nhóm 1 và các nhóm khác, trong đó ưu tiên mua thuốc generic, thuốc trong nước sản xuất có chất lượng và giá hợp lý, thuốc đơn chất; (5) không xây dựng kế hoạch mua các thuốc phối hợp đã được Bộ Y tế thông báo kém hiệu quả, các thuốc phối hợp giá cao bất hợp lý so với đơn chất, các thuốc ngoài danh mục do Bộ Y tế quy định; (6) đối với hồ sơ mời thầu, không được đưa thêm các điều kiện, cách ghi dạng đóng gói quá cụ thể nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc tạo ra lợi thế cho 01 hoặc 01 số nhà thầu gây sự cạnh tranh không bình đẳng trong đấu thầu…

6. Nâng cao hiệu quả giám định, quản lý, kiểm soát thanh toán thuốc của BHXH tỉnh, phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh quản lý, kiểm soát việc mua sắm, sử dụng, thanh toán chi phí thuốc đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT và sử dụng có hiệu quả Quỹ khám, chữa bệnh BHYT: - Phải yêu cầu cơ sở KCB thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo (cả file dữ liệu), theo các biểu mẫu và thời gian quy định; báo cáo đầy đủ kịp thời về BHXH Việt Nam theo Luật định;

- Thường xuyên cập nhật, tra cứu thông tin về giá kê khai, kê khai lại; giá thuốc trúng thầu, giá thuốc trúng thầu trung bình được đăng tải làm căn cứ xem xét xây dựng kế hoạch đấu thầu, phục vụ cho việc kiểm soát quản lý thanh toán chi phí thuốc chặt chẽ, đúng quy định;

- Phát hiện và thông báo sớm cho các cơ sở KCB không chấp nhận thanh toán thuốc ngoài danh mục, thuốc thu hồi số đăng ký, tránh để sử dụng số lượng lớn mới thông báo gây khó khăn cho các cơ sở KCB;

- Thực hiện việc đánh giá đối với từng loại thuốc, gắn với thẩm định nguyên nhân vượt Quỹ khám, chữa bệnh, vượt trần tuyến 02, đối chiếu số lượng sử dụng với kế hoạch đã duyệt; đối chiếu với giá kê khai, kê khai lại; so sánh việc sử dụng với kỳ trước và cùng kỳ năm trước để phát hiện các thuốc có sự gia tăng chi phí bất thường tìm nguyên nhân, thống nhất với cơ sở điều chỉnh kịp thời; không thanh toán phần chi phí vượt giá trúng thầu; trúng thầu vượt giá kê khai, kê khai lại; gia tăng sử dụng thuốc bất hợp lý, lãng phí…

- Giám định cụ thể trên hồ sơ bệnh án, đánh giá việc chỉ định sử dụng đối với các thuốc có điều kiện sử dụng, thuốc bổ trợ, các thuốc dấu (*),… để kịp thời khắc phục, xử lý các bất hợp lý, lãng phí, lạm dụng;

- Chủ động, sáng tạo và trách nhiệm hơn nữa trong tổ chức thực hiện, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu thầu, quản lý, kiểm soát thanh toán thuốc và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT./.


Nguồn Tạp chí BHXH