Tăng biên chế thanh tra lao động: Sẽ hạn chế tai nạn lao động?

18/11/2014 08:17 AM


Theo Bộ LĐTB&XH, trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia BHXH, số người chết do tai nạn lao động (TNLĐ) trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm). Đáng lo ngại dù số vụ TNLĐ gia tăng nhưng việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm.

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐTB & XH), 6 tháng đầu năm 2014, toàn quốc xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người bị nạn, gây thiệt hại lên tới gần 40 tỷ đồng.Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 258 vụ, 58 vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên; khiến 280 người chết, 660 người bị thương.  Số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do TNLĐ thường nhiều gấp 20 lần số liệu được báo cáo về Bộ LĐTB&XH. Cụ thể, mỗi năm có khoảng 160.000-170.000 người bị TNLĐ phải đến bệnh viện và có khoảng 1.700 người chết. Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ cháy nổ xuất phát từ vi phạm tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn của người sử dụng lao động. Trong đó, nguyên nhân lỗi do người sử dụng lao động chiếm 54,1% (không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn lao động…);  do người lao động chiếm 24,6% (vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân); còn lại 21,3% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.

Nguyên nhân chính khiến TNLĐ gia tăng nằm ở cơ chế chính sách cũng như nguồn nhân lực để quản lý. Số thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động chỉ có khoảng 150 người, nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng. Xuất phát từ thực tế đó, tại Dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động Bộ LĐTB&XH đã đề xuất xây dựng lực lượng thanh tra theo 3 cấp trung ương, tỉnh và huyện. Với phương án này, ước tính cần tăng thêm 1.000 biên chế (mỗi huyện tăng 1-2 người). Tại cuộc họp mới đây khi thảo luận về những điểm mới của Dự án Luật vệ sinh an toàn lao động, đại diện Bộ LĐTB&XH khẳng định: Vấn đề mấu chốt để hạn chế TNLĐ là yếu tố con người, trong đó có lực lượng thanh tra, thế nhưng cả nước chỉ có vẻn vẹn hơn 400 người, trong khi đó nước ta hiện có tới hơn 700.000 doanh nghiệp thì khó mà có thể kiểm tra. Xuất phát từ thực tế đó, tại Dự án Luật Vệ sinh an toàn lao động đã có hai phương án được đề xuất đó là: lực lượng thanh tra được xây dựng theo 3 cấp trung ương, tỉnh và huyện. Với phương án này, ước tính cần tăng thêm 1.000 biên chế (mỗi huyện tăng 1-2 người). Thứ hai là chỉ thành lập thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Những vụ TNLĐ nghiêm trọng, những cái chết thương tâm, những tổn thất nặng nề về kinh tế đều để lại hệ lụy không nhỏ. Thế nhưng việc xây dựng một môi trường an toàn lao động dường như vẫn còn nhiều thách thức, trong đó có công tác thanh tra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Tăng thêm 1.000 biên chế thanh tra lao động là không khả thi

Theo số liệu từ Bộ Lao động Thương binh & xã hội, bình quân mỗi năm có trên 1.200 người không có hợp đồng lao động chết và trên 120.000 người bị thương do tai nạn lao động. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người. Điều này thật đáng buồn. Nhưng đáng buồn hơn cả là trong tỷ lệ bao nhiêu vụ tai nạn lao động chết người thì chỉ có không phẩy mấy phần trăm chủ sở hữu lao động bị truy tố tội hình sự trước tòa. Chính điều này đã gây sự bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua. Xảy ra tình trạng trên là do chúng ta đã có phần ”nương tay”, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, bản thân người lao động làm việc trong môi trường không an toàn, không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động nhưng cũng không lên tiếng phản đối, không có ý thức đấu tranh. Thậm chí, số đông người lao động hiện nay vẫn vui vẻ làm việc khi nguy cơ cái chế treo lơ lửng trên đầu. Tôi cho rằng dứt khoát phải đưa tội danh của chủ sử dụng lao động khi để xảy ra tai nạn lao động vào tội truy cứu trách nhiệm hình sự. Chế tài trong dự án Luật phải thật nghiêm mới có tính răn đe cao.

Quả thực hiện nay, lực lượng thanh tra an toàn lao động có tăng nhưng chất lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Nếu thêm 1.000 thanh tra nhưng chất lượng thanh tra đảm bảo là một nhẽ. Nhưng việc tăng số lượng thêm 1.000 thanh tra đó có phù hợp với bối cảnh bộ máy Nhà nước đang phình to và chúng ta buộc phải tinh giản biên chế hiện nay hay không là điều cần suy xét. Chắc chắn rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thêm 1.000 biên chế thanh tra lao động là không khả thi. Thêm nữa, nếu có thêm 1.000 thanh tra hay nhiều hơn nữa mà chất lượng thực thi không tốt không giải quyết được vấn đề. Quan trọng nhất của công tác an toàn vệ sinh lao động là tuyên truyền giáo dục, huấn luyện kỹ năng. Khi không có phương án đảm bảo an toàn lao động mà chủ sử dụng lao động vẫn cố tình triển khai xây dựng công trình..., nếu tai nạn xảy ra thì chính chủ sử dụng lao động phải là người chịu trách nhiệm. Vì thế, một mặt nên vừa trao quyền thanh tra cho địa phương. Mặc khác, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ và chất lượng cho đội ngũ thanh tra hiện tại. Ngoài ra cũng cần giải pháp rắn hơn, luật thì nghiêm minh và thực thi pháp luật phải chuẩn để tính răn đe nhiều hơn.

Các vụ tai nạn lao động xảy ra chết người là thực hiện không đúng và cũng không huấn luyện cho người lao động về quy phạm quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Do đó, tôi xin nhắc lại rằng, khi xảy ra tai nạn thì tội thuộc về chủ sử dụng lao động và phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng vừa rồi chúng ta làm chưa nghiêm, nên chưa có tính răn đe. Khi người lao động bị tai nạn lao động thì trách nhiệm đầu tiên là chủ sử dụng lao động phải chạy chữa cho người bị tai nạn khỏi. Sau đó người bị tai nạn lao động sẽ được đưa đi tái khám xác định thương tật, tỷ lệ trên 21% thì được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng. Nhưng khi người lao động có tỷ lệ thương tật quá cao không thể tiếp tục công việc thì quá trình đào tạo chuyển đổi việc làm phải lấy từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chứ không phải từ “túi”chủ sử dụng lao động. Bởi họ đã phải đóng quá nhiều loại phí, ngay như Quỹ Bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng do chính chủ sử dụng lao động đóng 1% trên tổng quỹ tiền lương, chứ không phải do người lao động. Ngay đối tượng trong quan hệ lao động cũng phải bổ sung 2 chính sách. Thứ nhất, tăng thêm quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho chủ sử dụng lao động để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi bị tai nạn. Đây là chính sách hết sức ưu việt. Thứ 2, giáo dục, tuyên truyền, phòng  ngừa cho người lao động. Trong đó, chú trọng phương án phòng ngừa là chính, vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để hạn chế tai nạn lao động có thể xảy ra.

Theo Báo Công Thương