Không thể chần chừ được nữa

10/11/2014 01:41 AM


Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, Quốc hội (QH) sẽ thông qua dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó quy định hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị xử lý hình sự. Đây là điều cần thiết, bởi qua báo cáo của BHXH Việt Nam, thì tình trạng trốn đóng BHXH đã trở thành “đại dịch”.

Cụ thể, từ năm 2007 (bắt đầu thực hiện Luật BHXH) đến tháng 8/2014, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn tăng cao qua từng năm. Năm 2007 số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.734 tỉ đồng; năm 2010 số tiền này là 2.472 tỉ đồng; năm 2012 là 5.392,8 tỉ đồng và đến 31/8/2014, con số này đã là gần 12.000 tỉ đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 714.000 NLĐ. Đáng quan ngại là, rất nhiều DN trong số này, không chỉ không đóng phần BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của mình, mà còn “quỵt” luôn phần đóng góp của NLĐ. Nghĩa là, DN công khai chiếm đoạt và sử dụng trái phép tài sản của người khác, cụ thể ở đây là của NLĐ và hàng chục ngàn DN đang thực hiện điều này, trong khi những chế tài hành chính hiện nay đã “bó tay”.

Trong bối cảnh đó, việc bổ sung tội danh trốn đóng BHXH vào Bộ Luật Hình sự (BLHS) đã được xã hội đồng tình. Không hẳn cứ có chế tài hình sự là hành vi phạm tội sẽ hết, nhưng hy vọng rằng phải đối mặt với tù tội, tình trạng trốn đóng BHXH sẽ giảm, như thế NLĐ sẽ bớt thiệt thòi quyền lợi.

Theo chương trình của QH, phải đến kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015), QH mới cho ý kiến sửa đổi BLHS và theo thông lệ, phải đến kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015), QH mới thông qua và khoảng giữa năm 2016, bộ luật này mới có hiệu lực. Nếu tội danh trốn đóng BHXH được đưa vào BLHS lần này, thì cũng phải đến giữa năm 2016 mới có hiệu lực. Và từ nay đến đó, còn có quá nhiều thời gian để phát sinh thêm tình trạng trốn đóng BHXH.

Vậy câu hỏi đặt ra, QH có thể bổ sung sớm một điều trong BLHS và cho nó có hiệu lực ngay trong khi chờ sửa đổi toàn diện Bộ Luật này không? Vẫn biết, QH thường chỉ hoạt động theo chương trình đã được chuẩn bị sẵn từng năm, thậm chí nhiều năm. Nhưng thực tế, QH cũng đã từng có nghị quyết bổ sung, thay đổi chương trình để thông qua những dự thảo Luật kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hay QH khóa XI năm 2007 cũng từng chỉ sửa đổi một điều trong Bộ Luật Lao động (điều 73) để cho CNVCLĐ được nghỉ có hưởng lương trong ngày Giỗ tổ (10/3 âm lịch) và được cả xã hội đồng thuận cao. Trước “đại dịch” trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu NLĐ, cho cả xã hội, nên chăng QH cũng sớm bổ sung tội danh trốn đóng BHXH trong BLHS ngay, cùng dịp sửa đổi Luật BHXH, và cho hai Luật này có hiệu lực sớm. Tình hình đã cấp bách lắm rồi, không thể chần chừ được nữa.

Theo: Báo Lao động