Phương án tăng lương từ 1.1.2015: Cần loại bỏ yếu tố cào bằng

10/11/2014 02:15 AM


Chiều 9.11, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - có cuộc trao đổi với báo Lao động về việc Ủy ban TVQH nhất trí chọn phương án 2 trong đề xuất tăng lương của Chính phủ. Phương án này sẽ còn được đưa ra lấy ý kiến QH, trước khi có quyết định cuối cùng.

Nỗ lực lớn của Chính phủ

Với phương án vừa được thông qua, từ ngày 1.1.2015, gần 5 triệu người, chiếm 2/3 đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước sẽ được tăng lương với mức tăng 8% (90.000 đồng/tháng) cho ba nhóm đối tượng gồm người hưởng lương hưu; trợ cấp ưu đãi người có công; và bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp.

Tuy nhiên theo ông Bùi Sỹ Lợi, riêng việc tăng lương cho đối tượng về hưu đang có vấn đề. Bởi người về hưu không phải ai cũng lương thấp, ví dụ như lực lượng vũ trang đang có lương hưu rất cao. Vị này cho rằng, hiện lương bình quân của những người nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước rất thấp, nếu điều chỉnh nên tăng nhiều hơn cho nhóm này.

Nhóm về hưu từ năm 1993 đến trước năm 1995 cũng có lương hưu rất thấp.

“Quan điểm cá nhân của tôi là cần ưu tiên cho những người về hưu trước năm 1993 vì họ là đối tượng khó khăn nhất trong những người về hưu, nên điều chỉnh ở một lộ trình cao hơn. Nhóm từ năm 1993 đến trước năm 1995 mà có mức lương về hưu thấp hơn mức lương tối thiểu, hay còn gọi là mức cơ sở, nên áp cho họ ít nhất cũng phải bằng mức lương cơ sở, như thế mới đảm bảo được công bằng. Chứ những người về hưu sau này lượng hưu của họ không còn thấp dưới mức lương cơ sở” – ông Lợi đưa ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: 2/3 đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước sẽ được tăng lương.

Nguồn tiền lấy ở đâu?

Trước câu hỏi sẽ lấy nguồn tiền ở đâu cho đợt tăng lương này (?), ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, trong bối cảnh thu NSNN khó khăn sẽ sử dụng một phần số tăng thu NSNN năm 2014 chuyển sang nguồn năm 2015 để thực hiện, ngoài ra có thêm khoảng 1.100 tỉ đồng được đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương dành ra để cải cách tiền lương. Chính phủ cũng có những chỉ thị cắt giảm các khoản chi như khánh thành, khởi công, hội họp, đi nước ngoài và cũng đẩy mạnh sắp xếp tinh giảm biên chế hành chính sự nghiệp nhằm có quỹ tăng lương 1.100 tỉ đồng.

Cũng theo ông Lợi, hiện tại có không ít ý kiến vẫn cho rằng Chính phủ nên cố gắng tăng lương đồng loạt cho tất cả đối tượng theo đúng lộ trình đặt ra vì suy cho cùng đối tượng nào cũng cần được tăng lương để tăng thu nhập. Có thể không có tiền cũng phải vay cho đầu tư, nhưng câu chuyện đặt ra trong lúc khó khăn này, nếu anh đi vay tiền hoặc không có nguồn nhưng anh vẫn lấy tiền để chi thì dẫn đến tình trạng tăng tiền lương danh nghĩa, nhưng bản thân không tăng do giá cả tăng.

“Tôi thấy luồng ý kiến đó là hoàn toàn chính đáng, nhưng ta phải lựa chọn một phương án an toàn, một là không nâng hoặc là nâng cho nhóm nhỏ mà không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng cải cách tiền lương, cách gì cũng không được làm ảnh hưởng đến giá trị thực của đồng tiền. Tôi chưa nói đến số tiền 33.000 tỉ theo phương án 1 và cũng chưa muốn nói đến vấn đề trượt giá, nhưng tôi thực sự băn khoăn là 11.000 tỉ (cho đợt tăng lương sắp tới) có được cũng là rất khó” - ông Lợi chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trà Vinh:

“Đợt tăng lương này, theo tôi, cần giúp những lao động là đối tượng nghỉ hưu trước năm 1993 có lương hưu rất thấp, chứ không phải tăng lương bình quân bằng nhau cho tất cả các đối tượng nghỉ hưu. Cho nên, Thường vụ Quốc hội (TVQH) và Bộ Tài chính, Chính phủ cũng có tính toán trước mắt ưu tiên cho đối tượng người nghèo, người về hưu trước năm 1993 và trợ cấp ưu đãi cho người có công, kế tiếp đó là những người về hưu, rồi sau đó mới là công chức, viên chức có thu nhập thấp.

Tại buổi họp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến đồng ý với phương án 1 là điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,24 triệu đồng/tháng, tức là mọi người đều được tăng, tuy nhiên, số tiền phải chi quá lớn, không có đủ nguồn tiền”.

Ông Trần Ngọc Vinh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng - cho biết:

Theo lộ trình là phải tăng lương trong năm 2015, Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất quyết tâm để thực hiện được lộ trình này. Nếu thực hiện được phương án 1 sẽ rất tốt. Vấn đề tăng lương cũng được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị rất quyết liệt, nhưng khi đưa ra bàn thì hiện nay, chi thường xuyên tới 70%, còn 30% là đầu tư các hạ tầng cơ sở, trả nợ và các khoản khác, do đó không thể cân đối nổi nguồn tiền.

Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (ĐBQH Quảng Nam):

Tôi thấy đề xuất tăng lương của Chính phủ đợt này tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội, điều này thể hiện Chính phủ tiếp thu khá tốt các ý kiến tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội để đảm bảo an sinh xã hội. Theo tôi, việc tăng lương cho các đối tượng nghỉ hưu nên chia làm 2 loại để tăng lương. Cụ thể, nên quan tâm đến những đối tượng nghỉ hưu mà hưởng lương dưới 3 triệu đồng/tháng, còn việc tăng lương đối với những người có hệ số lương dưới 2,34 và người có công, thì tôi hoàn toàn ủng hộ

Theo Lao động