Bộ Nội vụ: Loại bỏ công chức, viên chức làm việc kém

08/11/2014 01:51 AM


Đối với những công chức, viên chức có chất lượng làm việc kém sẽ bố trí công tác khác, xử lý kỷ luật hoặc đưa vào diện tinh giản biên chế, giải quyết thôi việc.

Theo văn bản Bộ Nội vụ gửi các Bộ ngành, UBND tỉnh thành về đề nghị đánh giá, phân loại công chức, viên chức năm 2014, căn cứ kết quả đánh giá, các đơn vị liên quan sẽ phải có kế hoạch quy hoạch, bổ nhiệm và cho thôi việc người không đạt yêu cầu. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, nội dung đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sẽ tập trung vào năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc và đặc biệt là thái độ phục vụ nhân dân củ cán bộ công chức… Bên cạnh đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức sẽ là người đánh giá cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

Về tiến trình thực hiện, viên chức sẽ tự đánh giá, nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác, tập thể sẽ tổ chức đóng góp ý kiến. Người bổ nhiệm chịu trách nhiệm đánh giá, quyết định xếp loại và thông báo đến viên chức quản lý. Bộ Nội vụ đề nghị người đứng đầu cơ quan, qua đánh giá phải phân biệt được những người làm tốt, tận tụy, trách nhiệm có hiệu quả với những người làm việc thiếu trách nhiệm, không hiệu quả, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Từ đó, làm cơ sở để thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bố trí sử dụng đối với công chức, viên chức. Sau khi có kết quả đánh giá, đối với những công chức, viên chức có chất lượng làm việc kém sẽ bố trí công tác khác, xử lý kỷ luật hoặc đưa vào diện tinh giản biên chế, giải quyết thôi việc. Đồng thời thực hiện khen thưởng, tôn vinh và đãi ngộ đối với những công chức, viên chức có thành tích trong quá trình thực thi công vụ.

Đề xuất tăng lương cho khoảng 5 triệu người từ ngày 1/1/2015

Chiều ngày 6/11, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất tăng lương của Bộ Tài chính. Theo đó sẽ có khoảng 5 triệu người thuộc ba nhóm đối tượng được tăng lương từ ngày 1/1/2015 gồm người nghỉ hưu; người hưởng trợ cấp ưu đãi; người có công; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Cụ thể, có 3 phương án tăng lương được đề xuất:Phương án 1: Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/ tháng lên 1,24 triệu đồng/ tháng (tương đương mức tăng 90 nghìn đồng/ tháng, khoảng 8%); lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương cơ sở - mức tăng tương ứng mức lạm phát trong 2 năm 2014-2015 cho cả 3 nhóm đối tượng nói trên. Tổng kinh phí tăng thêm khoảng 33.000 tỉ đồng.Phương án 2: Điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi cho người có công và lương đối với bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp. Theo phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng.Phương án 3: Thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng 10%. Với phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng, toàn bộ do ngân sách trung ương đảm bảo.Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ Ngân sách Nhà nước, mặt khác nhằm đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực Doanh nghiệp. Nếu phương án trên được Quốc hội thông qua thì chính sách tăng lương này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2015. Trước đó, trong phương án phân bổ ngân sách năm 2015 trình lên Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất hoãn thực hiện lộ trình tăng lương do không bố trí được nguồn ngân sách. Phần thu vượt dự toán được đề xuất ưu tiên bố trí chi trả nợ và các nhiệm vụ chi an sinh Xã hội khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của đại biểu đã đề nghị cơ quan điều hành xem xét, bố trí tăng dự toán thu, đồng thời cắt giảm chi ngân sách để dành nguồn tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương.

Theo Chinhphu.vn, ĐCSVN