Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đảm bảo ATVSLĐ

05/11/2014 01:41 AM


Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) điều chỉnh cho đối tượng không có quan hệ lao động cần triển khai có lộ trình cụ thể, tùy từng đối tượng để có thay đổi phù hợp.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, dự thảo Luật ATVSLĐ bao gồm 7 chương với 94 điều. Nhiều chính sách lớn, điểm mới đã được quy định trong dự thảo. Thực tế, một số nội dung ATVSLĐ được quy định trong Bộ luật Lao động, nhưng đồng thời cũng được quy định phân tán tại nhiều văn bản pháp luật khác. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là ở cơ sở. Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động cần được rà soát, ban hành mới để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, phù hợp với công nghệ và vật liệu mới. Chính sách của Nhà nước cũng cần thay đổi để thu hút và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác ATVSLĐ phát triển các dịch vụ trong lĩnh vực này.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Bộ LĐTB&XH đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật ATVSLĐ trình Chính phủ. Dự thảo Luật ATVSLĐ đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng người lao động không có quan hệ lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động; bổ sung các nội dung chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, quy định đối với thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ “thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ được tổ chức thành lập ở cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp huyện, Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh thanh tra viên, việc tổ chức và hoạt động của lực lượng này”.

Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng, để tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập trung vào các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ; huấn luyện cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, người lao động theo đúng quy định. Theo các chuyên gia, việc mở rộng là rất cần thiết nhưng cần triển khai có lộ trình cụ thể, tùy từng đối tượng để có điều chính phù hợp với điều kiện, khả năng của họ cũng như quy định trách nhiệm của các bên liên quan đến ATVSLĐ. Ví dụ như nông dân là đối tượng rộng lớn, làm việc không tập trung nên khi xây dựng và triển khai Luật cần tập trung vào lao động hộ gia đình, lao động trong các trang trại, làng nghề, hợp tác xã… Bên cạnh đó, khi mở rộng đối tượng cần quy định rõ, cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng này. Đồng thời, Luật cần thể hiện rõ nhưng chế độ, chính sách, chế tài bảo vệ người lao động. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác đảm bảo ATVSLĐ cho đối tượng mới này.

Theo ĐCSVN