Thiết bị y tế: Đấu ở tầm cao

04/11/2014 01:34 AM


Thị trường thiết bị y tế (TBYT) được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt, lên tới 1 tỷ USD vào năm 2015, nhưng do đặc thù, lợi thế kinh doanh lại chỉ tập trung ở một số công ty.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2013, cả nước có 1.069 bệnh viện và hơn 40.000 phòng khám. Con số này rất khiêm tốn so với quy mô 92 triệu dân ở Việt Nam. Tính ra Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 25 giường bệnh cho 10.000 người. Không chỉ thế, hệ thống TBYT ở các bệnh viện vẫn thiếu, chưa đồng bộ và lạc hậu so với các nước trong khu vực. Vì thế nhu cầu mua, thay thế TBYT là rất lớn. Riêng TP.HCM dự kiến sẽ cần khoảng 900 triệu USD để nâng cấp TBYT cho các bệnh viện. Bên cạnh đó, trước xu hướng xã hội hóa y tế và người dân ngày càng có nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, các bệnh viện, phòng khám phải đầu tư thêm TBYT để có thể cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, Việt Nam mới có hơn 50 công ty sản xuất TBYT, phần lớn chỉ sản xuất các mặt hàng đơn giản. Vì thế, nghiên cứu của Espicom Business Intelligence (công ty con của Business Monitor-BMI) cho hay, 90% TBYT ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Trong đó, 30% tổng giá trị nhập khẩu TBYT là các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, bao gồm máy cộng hưởng từ MRI, máy chụp CT, thiết bị siêu âm và X-quang. Các quốc gia cung cấp chính TBYT cho Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đức, chiếm khoảng 55% giá trị nhập khẩu TBYT của Việt Nam.

Espicom Business Intelligence cũng chỉ ra, doanh thu từ thị trường TBYT Việt Nam đã liên tục tăng, từ mức hơn 634 triệu USD năm 2012 lên 609 triệu USD năm 2013, dự kiến đạt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2015 và ước đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2018. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành này cho giai đoạn 2013 - 2018 dự báo là 16,6%, vượt trội so với với mức tăng trưởng bình quân hiện nay của thế giới (7%). Tuy nhiên, chi tiêu cho TBYT của Việt Nam năm 2013 tính trên đầu người mới chỉ 7 USD, thấp so với Thái Lan (12 USD), Malaysia (35 USD), Singapore (103 USD) và bình quân trên thế giới (50 USD). Giới phân tích kỳ vọng đến năm 2018, mức chi tiêu TBYT ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, lên 14,5 USD/người.

Với tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn, ngành TBYT vẫn là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều công ty tham gia. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 1.000 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực TBYT. Đặc biệt, nếu như năm 2012, Bộ Y tế chỉ cấp phép nhập khẩu TBYT cho 3.997 đơn thì đến năm 2013, con số này là 4.205 đơn hàng. Mặc dù kinh doanh thiết bị y tế đạt tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhưng theo các nhà phân tích, đây là ngành chịu rủi ro về chính sách, tỷ giá và thường bị thanh toán chậm trễ. Chưa kể, ở nhiều đơn vị, tăng trưởng lợi nhuận gộp của TBYT đã gần đạt mức tối ưu. Để có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh doanh tốt hơn trong tương lai, các doanh nghiệp phải mở rộng thêm hoạt động trên cơ sở các lợi thế sẵn có.

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn