Hiểm họa bán thuốc không theo toa: Phải quản chặt nhà thuốc

03/11/2014 07:53 AM


Không có toa thuốc song người dân vẫn dễ dàng mua nhiều loại thuốc kháng sinh hoặc những loại thuốc bắt buộc kê toa. Thực trạng này gây khó khăn trong điều trị bệnh, khiến VN trở thành một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất trên thế giới.

Khảo sát gần đây của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, cứ 10 người dân thì có tới 9 người mua thuốc kháng sinh mà không hề có đơn bác sĩ. Điều đặc biệt, lượng thuốc kháng sinh chiếm tới 1/4 số thuốc được bán ra mỗi ngày. "Mỗi lần mấy đứa nhỏ nóng sốt, ho hay sổ mũi tôi thường tìm đến tiệm thuốc tây, thay vì đi bệnh viện chờ đợi mấy tiếng đồng hồ rồi cũng mua về một bọc thuốc. Đến nhà thuốc chỉ cần nói triệu chứng là nhân viên nhà thuốc đáp ứng liền”, bà Nguyễn Thị Thanh (Quận 3, TPHCM) cho biết. Theo ghi nhận của phóng viên, nhà thuốc sẵn sàng bán thuốc kháng sinh Augmentin, Zinat, Medxil... hoặc là những loại thuốc kháng sinh tương tự. Khi được hỏi về cách dùng thì nhân viên nhà thuốc A. T (đường Nguyễn Tri Phương) hướng dẫn sử dụng bằng cách đọc chỉ dẫn trước khi sử dụng. Thắc mắc về quy định bán thuốc kê đơn, một số nhà thuốc cho rằng, nếu bán thuốc mà đòi hỏi người bệnh phải có toa thuốc của bác sĩ thì không thể cạnh tranh được với các nhà thuốc khác. PGS.TS Dược sỹ Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định: "Kháng sinh là một loại thuốc chỉ có tác dụng với vi khuẩn còn do vi rút thì không có tác dụng. Các loại thuốc này phải dùng đúng liều, đúng bệnh và chỉ được sử dụng khi nào có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu ta sử dụng thuốc kháng sinh không đúng thì các bệnh nhiễm khuẩn không những không hết mà bệnh nặng hơn và khó điều trị. Thậm chí, kháng kháng sinh này sẽ chống lại nhiều kháng sinh khác".

Quan ngại về tỷ lệ kháng thuốc gia tăng PSG. TS BS Nguyễn Văn Bùi, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho hay, VN đang trở thành một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới. Không ít loại thuốc trên thế giới vẫn sử dụng nhưng với chúng ta không còn tác dụng bởi sử dụng quá nhiều dẫn đến kháng thuốc. Cụ thể, thuốc kháng sinh Amoxicillin điều trị viêm họng, có giá thành rất rẻ ở VN loại đã bị kháng trong khi Pháp vẫn sử dụng. Thuốc HP điều trị đau dạ dày chỉ có 4 phổ nhưng ở VN đã sử dụng đến phổ thứ 4 có nghĩa là những phổ trước đó đều bị kháng. Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các các khoa điều trị tích cực cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74% khiến việc điều trị nhiều bệnh gặp khó khăn. "Vấn đề cốt lõi nhất chính là quản lý thật chặt các nhà thuốc. Chúng ta đã quy định rõ những gì nhà thuốc được phép bán và không được phép bán nhưng cần thực hiện kiên quyết hơn” - PSG Bùi nói - "Giải pháp không kém phần quan trọng là các bác sĩ phải hết sức cân nhắc trong việc kê những loại kháng sinh mạnh cho người bệnh".

Theo KT&ĐT