Dược phẩm Việt: Vẫn mãi điệp khúc “lép vế” trên thị trường

03/11/2014 03:09 AM


Thuốc Việt thiếu những loại đặc trị Đầu tư nhiều nhưng doanh nghiệp (DN) dược trong nước đang rơi vào tình trạng không thể tiêu thụ được sản phẩm. Nguyên nhân do đâu?

Hầu hết DN cho rằng, DN sản xuất dược đang bị "thắt nút” về đầu ra mặc dù thị trường tiêu thụ không hề nhỏ. Bà Huỳnh Thị Lan, Giám đốc Công ty Mekopha cho hay, là công ty có thâm niên trong việc sản xuất nguyên liệu kháng sinh dòng Ami, Amoc nhưng không chỉ tiêu thụ trong nước công ty còn phải tìm thị trường xuất khẩu sang các nước. Tại thị trường trong nước húng tôi không dám mở rộng kinh doanh vì thấy quá mạo hiểm khi không có chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, thị trường thì lại eo hẹp”. Tương tự, Công ty Sanofi đầu tư liên doanh với Pháp, trong đó vốn sở hữu của phía nước ngoài chiếm tỷ lệ 75%. Công ty Sanofi đã và đang tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất dược theo công nghệ hiện đại nhất. Nhưng điều mà công ty lo ngại nhất hiện nay chính là không biết có tiêu thụ được sản phẩm hay không?

Theo thống kê của Sở Y tế TP. HCM, trên địa bàn thành phố có 25 nhà máy đạt chuẩn GMP WHO trên tổng số 127 nhà máy của cả nước (chiếm tỷ lệ 20%) cùng với 1033 công ty phân phối dược. Loại hình sản xuất đa dạng như: tư nhân, liên doanh, liên kết… được bố trí tại các khu công nghiệp. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, hiện nay dược phẩm trong nước đang chiếm 40% về số lượng song khả năng chiếm lĩnh thị trường Việt còn vô vàn khó khăn. "Theo đó, khó khăn nhất hiện nay của DN chính là đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm made in TP. HCM là hoàn toàn tốt. Song nghịch lý ở chỗ, mặc dù sở hữu một hệ thống lớn với nhiều bệnh viện nhưng thuốc made in TP. HCM vẫn không được xem là lựa chọn hàng đầu. Nguyên nhân dẫn đến việc dược phẩm trong nước kém hấp dẫn chính là do sự lấn át của dược phẩm ngoại.

Nói về nguồn thuốc ngoại, hiện nay có 1.260 trên tổng số 28.000 cơ sở đăng ký nhập khẩu thuốc ngoại. Thuốc ngoại đang chiếm lĩnh thị trường về chủng loại và số lượng. Như vây, rõ ràng làn sóng chiếm lĩnh thị trường một cách ồ ạt của dược phẩm ngoại vô hình chung hình thành lên tâm lý sính thuốc ngoại. Đây chính là nguyên nhân mấu chốt khiến DN dược trong nước phải vật vã cạnh tranh. Bàn về nghịch lý giữa thuốc nội – ngoại, bà Huỳnh Thị Lan, Giám đốc công ty Mekopha phân trần: "Thuốc Việt xuất khẩu bị nhiều rào cản thương mại trong khi thuốc ngoại nhập vào thị trường Việt Nam lại được ưu ái, bằng chứng là không có sự kiểm nghiệm về chất lượng đối với thuốc nhập khẩu. Thuốc ngoại vào thị trường trong nước là "thượng vàng hạ cám” vì giá đăng ký thuốc quá rẻ so với ở nước ngoài. Nếu tình trạng trên tiếp tục tái diễn trong thời gian tới thì DN dược trong nước chịu nhiều thua thiệt".

Trước sự lớn mạnh của thuốc ngoại nhập, dược phẩm Việt khó chen chân ra thị trường nên các DN trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Bởi theo DN, muốn thuốc Việt đến tay người Việt chỉ còn cách duy nhất là làm sao đưa được thuốc vào bệnh viện thông qua chương trình đấu thầu thuốc. Chính vì lẽ đó mà thời gian qua hầu hết DN thi nhau "chạy đua” để đưa thuốc vào bệnh viện. Tuy nhiên đối với các DN, mong muốn đưa thuốc vào bệnh viện hoàn toàn không đơn giản vì quá nhiều dược phẩm trong nước có công dụng giống nhau. Nhằm bảo vệ nguồn dược phẩm trong nước ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCMcho rằng, Sở đã nỗ lực bảo vệ DN dược trong nước. Điều này thể hiện rõ, bằng việc "ưu ái” để DN Việt trúng thầu thuốc vào các bệnh viện. Đơn cử, chỉ riêng mặt hàng thuốc Generic tổng cộng giá trị đấu thầu lên đến 3.800 tỷ đồng nhưng trong đó Việt Nam đã chiếm 2.600 tỷ, phần còn lại chia nhỏ cho Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Theo ông Bỉnh, các DN cần cần liên kết với nhau sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao chứ không chỉ dừng lại ở những sản phẩm giống nhau.

Theo Đại đoàn kết