Bất bình đẳng thu nhập toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng 

23/10/2014 07:36 AM


Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng cách giàu nghèo trên toàn thế giới hiện nay đang ở mức tương tự như thập niên 20 của thế kỷ 19 và đây là một trong những vấn đề "đáng lo ngại" nhất trong 200 năm qua.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về mức thu nhập ở 25 quốc gia và so sánh nó với thời điểm năm 1820. Kết quả cho thấy sự bất bình đẳng về thu nhập đã giảm xuống nhanh chóng trong những năm giữa thế kỷ 20, thời điểm mà OECD gọi là "cuộc cách mạng về bình đẳng". Đây cũng chính là thời kỳ các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu phát triển. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập một cách nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu là một trong những vấn đề lớn và đáng lo ngại nhất trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong 200 năm qua. Theo chuyên gia kinh tế người Hà Lan, Jan Luiten van Zanden, báo cáo đã đưa ra một bức tranh tương tự như lời cảnh báo ảm đạm về tương lai thế giới trong cuốn sách gây nhiều tranh cãi và đang bán chạy nhất hiện nay là cuốn "Tư bản trong Thế kỷ 21" (The Capital of Twenty-First Century) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty. Báo cáo cũng đề cập tới những xu thế của thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bất bình đẳng, an toàn cá nhân, cũng như môi trường trong 200 năm qua nhằm xây dựng một bức tranh toàn cảnh về sự thịnh vượng toàn cầu. Sự thịnh vượng của con người nhìn chung đã tăng lên kể từ đầu thể kỷ 20 ở phần lớn các khu vực trên thế giới”. Chẳng hạn như tuổi thọ trung bình của con người đã tăng từ dưới 30 tuổi vào năm 1880 lên gần 70 tuổi vào năm 2000. Tỷ lệ biết đọc cũng tăng lên đáng kể, từ dưới 20% vào năm 1820 lên tới 80% hiện nay.

Một báo cáo mới cho biết khoảng cách bất bình đẳng thu nhập ở Canada đang ngày một tăng lên khi thu nhập bình quân của nhóm 10% những người nghèo nhất nước này giảm đáng kể trong khi tài sản của nhóm 10% người giàu nhất quốc gia Bắc Mỹ này lại tiếp tục tăng. Trong những năm gần đây, thu nhập của những người nghèo ở Canada đã giảm mạnh, tới 150%, trong khi tài sản của nhóm những người giàu nhất nước vẫn tiếp tục gia tăng khiến cho khoảng cách bất bình đẳng ngày một nới rộng. Những dữ liệu mới của nghiên cứu trên là "sự báo động" về tình trạng gia tăng bất bình đẳng ở Canada. Trong những năm qua, khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo tại Canada không những không được thu hẹp mà ngày càng lớn hơn. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu từ năm 2005 đến năm 2012, các nhà nghiên cứu cho thấy giá trị tài sản trung bình của nhóm 10% dẫn đầu ở mức 2,1 triệu USD trong năm 2012, tăng 42% so với thời điểm năm 2005. Trong khi nhóm 10% nghèo nhất chỉ đạt mức trung bình 5.100 USD, giảm tới 150% trong cùng một thời điểm. Các dữ liệu cũng chỉ ra rằng nhóm 10% dẫn đầu đã kiểm soát tới 47,9% tổng giá trị tài sản trong năm 2012, giảm hơn đôi chút so với mức 50,9% trong năm 2005 và 49,6% trong năm 1999. Trong khi thu nhập trung bình của giới trung lưu tăng không đáng kể, thu nhập của nhóm 30% những người nghèo nhất nước hầu như cũng dậm chân tại chỗ kể từ năm 2005. Tính đến thời điểm năm 2012, nhóm 30% nghèo nhất chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng giá trị tài sản, giảm từ mức 1% trong năm 2005 và 1,2% trong năm 1999. Một số tỉnh miền Đông Canada ghi nhận khoảng cách bất bình đẳng thu nhập thấp nhất với nhóm 10% người giàu kiểm soát 31,7% tổng giá trị tài sản; trong khi nơi có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất là ở British Columbia, với nhóm 10% dẫn đầu kiểm soát tới 56,2% tổng giá trị tài sản.

Còn tại Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh đã đưa ra những con số báo động về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc. Dựa trên số liệu thu thập năm 2012, báo cáo cho biết 1% các gia đình giàu có nhất sở hữu tới hơn 1/3 giá trị tài sản của toàn bộ đất nước. Tổng giá trị tài sản của 25% các gia đình nghèo nhất chỉ chiếm 1%. Nhân Dân nhật báo cho rằng sự khác biệt về tiền lương ở các thành phố và khu vực nông thôn là nguyên nhân chính dẫn tới sự bất bình đẳng này. Bên cạnh đó, hệ số phân phối lợi tức (Gini) đối với các hộ gia đình ở Trung Quốc trong năm 2012 ở mức 0,73. Mức cao nhất trên thang đo chỉ số Gini là 1, phản ảnh sự bất bình đẳng hoàn toàn. Trong khi đó, con số tương ứng trong số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc là 0,47 năm 2012, gần bằng hệ số của Mỹ (0,56).

Theo Tin tức