Bảo đảm an toàn quỹ BHXH : Công cụ mạnh và hành lang rộng

23/10/2014 02:58 AM


Ðến cuối tháng 8/2014, số tiền mà 54 nghìn tổ chức, DN nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN) đã lên đến gần 12 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng quyền lợi của 714 nghìn lao động. Hơn 8.000 đơn vị ngừng hoạt động, không còn giao dịch với cơ quan BHXH và hơn 30 nghìn lao động tại các đơn vị này có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT. Nếu không có biện pháp "cứng rắn" để thu nợ, hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội và vi phạm các lợi ích cơ bản về an sinh xã hội của NLĐ.

"Bó tay" nhìn thất thoát đến bao giờ?

Cho chúng tôi xem các hồ sơ đóng BHXH, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh Phú Yên Trần Văn Dũng cho biết, đây là ba DN làm ăn có "máu mặt" trên địa bàn tỉnh và đều đóng nộp các chế độ BHXH. Cả ba hồ sơ này cùng giống nhau ở một điểm: số tiền đóng BHXH của các đối tượng trong DN đều bằng nhau, nghĩa là gần như chỉ có một mức đóng BHXH. Trưởng phòng Trần Văn Dũng cho hay, cơ quan BHXH sẽ thu và tiến hành các thủ tục thanh toán trên cơ sở hồ sơ DN tự khai, tự nộp, trên cơ sở bảng lương như DN đã báo cáo cơ quan BHXH.

Mang hồ sơ của các DN này đối chiếu số liệu lưu giữ tại cơ quan thuế nhà nước, điều bất ngờ với chúng tôi là số tiền khai báo tại cơ quan thuế của cả ba DN nêu trên đều cao hơn hẳn, với mức hơn 300% so với mức kê khai hồ sơ BHXH. Cụ thể: với Công ty Cavina, số kê khai BHXH là 245 triệu đồng/năm 2013, với mức lương bình quân là 1,9 triệu đồng/người/tháng, nhưng số kê khai với cơ quan thuế là 977 triệu đồng, với mức thu nhập bình quân là 4,9 triệu đồng/người/tháng. "Biết là có sự chênh lệch, khác nhau về hồ sơ đóng BHXH và hồ sơ DN, nhưng ngành BHXH đành "bó tay", vì không có "công cụ, phương tiện" theo thẩm quyền, bởi cán bộ và nhân viên phụ trách chỉ có quyền đôn đốc, nếu DN vẫn không thực hiện thì chỉ có quyền kiến nghị xử lý, hoặc phối hợp đoàn thanh tra liên ngành của địa phương. Sau khi có kết luận thanh tra mà DN vẫn chây ỳ thì khởi kiện ra tòa dân sự" - Phó Trưởng phòng thu BHXH Hà Nội Nguyễn Dương phân trần.

Chia sẻ thực trạng này, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Văn Dũng cho biết, việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng BHXH, BHYT thường xuyên xảy ra, nhất là khu vực DN ngoài nhà nước. Cũng có những trường hợp, người sử dụng lao động hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT; hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn; hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp nên cố tình nợ BHXH, BHYT. Cũng có những DN bí nguồn tiền, không đủ khả năng tài chính đành "khất nợ" BHXH, BHYT.

Bùng nhùng lợi ích, không thể mạnh tay

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước là 16 triệu người, nhưng chỉ mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng năm triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT, tương ứng với số thu khoảng 56 nghìn tỷ đồng/năm, tác động ảnh hưởng trực tiếp Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH từ năm 1995 đến 2014 của BHXH Việt Nam cho thấy: Năm 1997, số nợ chậm đóng BHXH là 307 tỷ đồng, bằng 8% tổng số phải thu trong năm; Năm 2006, số tương ứng là 1.508,4 tỷ đồng và 7,2%; Năm 2007: 1.733,9 tỷ đồng, bằng 6,8%; Năm 2010: 2.472 tỷ đồng, bằng 4,75%; Năm 2012: 5.392,8 tỷ đồng, bằng 5,8%; Năm 2013: 4.752 tỷ đồng (bao gồm cả nợ lũy kế các năm trước), bằng 4,34% so với tổng thu trong năm; Ðến hết 31/8/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT và BHTN là 11.651,7 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 7.957,3 tỷ đồng, nợ BHTN là 608,4 tỷ đồng.

Số nợ đọng ngày một gia tăng, nhưng ngoài cố gắng thu hồi nợ trong quyền hạn, cơ quan BHXH gần như "bó tay" khi mà thẩm quyền cao nhất của cơ quan này chỉ là khởi kiện ra tòa án để đòi nợ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc các DN ngày càng "xem thường" cơ quan BHXH do chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Ðức Thuật cho biết: Ðể thanh tra công tác nộp BHXH, phải chờ thành lập tổ thanh tra liên ngành, do ngành lao động - thương binh và xã hội dẫn đầu, cơ quan BHXH không có chức năng. Nhưng các ngành khác lại luôn nghĩ rằng, đây là công việc của cơ quan BHXH nên không mặn mà hợp tác. Trong khi đó, việc khởi kiện cứ khởi kiện, còn DN sẵn sàng nợ năm đến bảy tỷ đồng dứt khoát không nộp, khi họ có thể đem tiền gửi ngân hàng để thu lợi nhuận. Có đơn vị, 70 đến 80% lao động là nữ, cứ gần đến lúc phải thực hiện nghĩa vụ thai sản thì mới nộp BHXH - ông Vũ Ðức Thuật bức xúc.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, Giám đốc BHXH Cao Văn Sang cho biết, theo quy định của pháp luật, hằng tháng, cơ quan BHXH gửi thông báo về việc đóng bảo hiểm cho NLĐ đến từng DN. Sau ba tháng, nếu DN không thực hiện, BHXH sẽ xuống kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu thực hiện. Sau sáu tháng, nếu DN vẫn chây ỳ, các cơ quan chức năng trên địa bàn, gồm ngành lao động - thương binh và xã hội, BHXH, đại diện công đoàn, thanh tra và nhiều cơ quan liên quan khác, tiến hành thanh tra, nếu không đạt kết quả, BHXH sẽ khởi kiện DN vi phạm ra tòa. Năm 2013, BHXH Tp.Hồ Chí Minh đã khởi kiện 1.228 DN; chín tháng đầu năm, kiện khoảng 800 DN. Nhưng kiện có thắng thì cũng vẫn phải "trường kỳ" mới thu hồi được nợ. Sau khi có phán quyết của tòa án, may thì đòi được 20 đến 30% số tiền BHXH mà DN nợ. Có nhiều bản án đã được xét xử nhưng gặp khó khăn do không thể xác nhận được tài sản của DN.

Có một thực tế nữa là tiền phạt chậm nộp BHXH còn thấp hơn lãi vay ngân hàng. Ðiều này lý giải vì sao nhiều DN nợ BHXH, cố tình trốn tránh các nghĩa vụ tài chính bắt buộc khác phải thực hiện đối với người lao động. Theo quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động phải đóng 18% quỹ lương vào Quỹ BHXH. Ðây là khoản tiền đáng kể, nhất là với những DN khó khăn về tài chính. Vì vậy, nhiều DN sẵn sàng chấp nhận phạt chậm nộp BHXH, bởi lẽ, mức phạt chậm nộp đang là 10,45%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay vốn ngân hàng. Sai phạm này của các DN còn được "hỗ trợ" bởi nhiều yếu tố liên quan. Các ngân hàng thương mại, nơi DN mở tài khoản, vì quyền lợi của mình nên không thực hiện trích tài khoản ngân hàng để đóng bảo hiểm cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan BHXH. Trong khi đó, vì mục tiêu thu hút đầu tư, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, có không ít địa phương cũng đang nợ BHXH từ nguồn ngân sách, cho nên cũng không dám "mạnh tay" với các DN nợ BHXH.

Ðể bảo đảm chính sách BHXH ngày càng hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả, là cơ quan thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam đã có nhiều đề xuất quan trọng. Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh cho biết, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, bên cạnh các giải pháp quan trọng khác, ngành BHXH cần có những công cụ có tính chất căn bản, quyết định để bảo đảm tính khả thi, ổn định của chính sách và cân đối quỹ BHXH. Chỉ khi được bổ sung thẩm quyền thanh tra trong lĩnh vực đóng BHXH cho cơ quan BHXH; quy định chi phí quản lý một cách linh hoạt để phù hợp hoạt động đặc thù của ngành BHXH trong từng thời kỳ, bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động đối với trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm, thì mới có cơ sở để giải quyết những tồn đọng mà lịch sử để lại cho ngành. Nếu thật sự không được cho phép trang bị những công cụ mới này, ngành BHXH không thể đảm đương nổi những nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm và nghĩa vụ ở mức cao như hiện nay, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Cần công cụ pháp lý mạnh hơn

Từ năm 2010-2013, cơ quan BHXH đã khởi kiện 3.976 DN với số nợ 1.788 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền thu được hơn 736 tỷ, trong đó, số tiền thu được qua hòa giải là 266 tỷ, đạt tỷ lệ 15%; qua xét xử là 470 tỷ, đạt tỷ lệ 26%. Thực tế này cho thấy, còn một số lượng lớn các bản án, quyết định của tòa án trong lĩnh vực BHXH không được thi hành. Ðiều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.

Trần Văn Đạt

Phó Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp

Theo: Báo Nhân dân