Sửa đổi Luật BHXH: Phải bảo đảm lợi ích tốt hơn cho NLĐ

22/10/2014 02:41 AM


Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra. Phóng viên Báo BHXH đã có cuộc phỏng vấn TS.Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan thẩm tra về một số nội dung mới, thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật này.

bsLoi 221014.jpg

*PV: Thông qua hoạt động giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Luật BHXH 2006 trong thời gian qua?

- TS.Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay ở nước ta, hệ thống ASXH phát triển dựa trên 4 trụ cột chính: Việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; BHXH, BHYT; trợ giúp xã hội cho các nhóm đặc thù; các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin cho người dân). Trong đó, BHXH, BHYT là trụ cột cốt lõi nhất trong 4 trụ cột ASXH, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của NLĐ và toàn dân.

Qua giám sát về BHXH hằng năm cho thấy, sau 7 năm thi hành Luật BHXH, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Diện bao phủ của BHXH còn thấp, mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động và khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; mới có khoảng 20% dân số trong độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và 60 tuổi trở lên đối với nam) được hưởng lương hưu. Còn một bộ phận lớn người già từ 60 đến 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cũng như không được hưởng bất kỳ một khoản trợ cấp hằng tháng nào. Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù quy định đối tượng thuộc diện tham gia rộng, nhưng trên thực tế, số người tham gia còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,4% số đối tượng thuộc diện. Công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng BHXH ngắn, nhưng thời gian hưởng cao, do tuổi thọ bình quân tăng nhanh; số người nhận trợ cấp một lần tăng; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của NLĐ. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH chưa giảm. Chậm ứng dụng CNTT vào hiện đại hóa quản lý BHXH. Quỹ BHXH ngắn hạn kết dư lớn; công tác đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác phối hợp, trách nhiệm của BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan còn hạn chế. Vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa được quy định cụ thể và cũng chưa phát huy hết chức năng theo chức trách.

Quỹ BHXH là một quỹ tài chính. Vì vậy, cần phải tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH. Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH sẽ làm hài hòa giữa các chính sách BHXH theo hướng đảm bảo cân đối Quỹ, mở rộng đối tượng với việc đảm bảo công bằng trong quyền lợi hưởng của NLĐ tham gia BHXH.

* Như ông vừa nói, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này tập trung vào việc mở rộng đối tượng, trong đó, việc đưa đối tượng lao động có hợp đồng từ 1 đến 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng điều này không khả thi. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Vấn đề đặt ra là nếu không tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH thì lực lượng lao động hiện nay chưa tham gia BHXH khi đến tuổi về hưu sống bằng nguồn kinh tế gì? Liệu có phải lại chính bằng NSNN hỗ trợ hay không? Qua thực tiễn giám sát và tham vấn ý kiến của các đối tượng có liên quan (chủ SDLĐ, NLĐ, nhân dân), chúng tôi thấy rằng, việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết. Đây là nhóm tham gia chủ yếu trong khu vực có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị chủ SDLĐ vận dụng hình thức ký HĐLĐ dưới 3 tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ BHXH. Chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của vấn đề này. Thực tế, ngay cả ở khu vực có quan hệ lao động, thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì cũng mới chỉ có 10,8 triệu lao động trong khoảng 15- 16 triệu lao động có HĐLĐ tham gia BHXH. Thêm vào đó, số lượng DN do các cơ quan quản lý nắm được rất khác nhau, không cơ quan nào nắm được có bao nhiêu DN, sử dụng bao nhiêu lao động. Theo thống kê, chỉ có khoảng 50% số DN, cơ sở SXKD tham gia BHXH. Vì vậy, việc bổ sung thêm đối tượng lao động có hợp đồng từ 1 tháng đến 3 tháng rất khó khăn.

Tất nhiên, khi chúng ta nhìn vào những khó khăn do quá trình quản lý hiện nay sẽ thấy điều này không khả thi, nhưng nếu Nhà nước hỗ trợ và quản lý chặt chẽ, việc bổ sung đối tượng này sẽ được thực hiện theo lộ trình từng bước. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức Công đoàn, cơ quan BHXH và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tăng cường công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật DN. Trong quá trình cải cách TTHC, chúng ta sẽ tiến đến cấp mã định danh hay mã ASXH của từng người. Mã định danh này sẽ gồm tài khoản cá nhân, trong đó có tài khoản BHXH. NLĐ sẽ dễ dàng hoàn tất các thủ tục đóng, hưởng BHXH khi hoàn thiện hệ thống cấp mã định danh này. Khi đó, những lo ngại về quản lý BHXH cho đối tượng có HĐLĐ từ 1-3 tháng sẽ được khắc phục.

* Vậy với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, những nội dung mới trong dự thảo Luật (sửa đổi) có những thay đổi gì để khuyến khích cho các nhóm đối tượng này tham gia, thưa ông?

- Hiện đang có 3 nhóm đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện là: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nông dân và lao động khu vực phi chính thức.

Với nhóm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thực tiễn cho thấy, cần tham gia BHXH vì nhiều người có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở. Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định chính sách liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nên sẽ tạo điều kiện để nhóm này có thể tham gia BHXH liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn lao động. Vấn đề cần cân nhắc là quy định về hình thức tham gia. Có ý kiến đề nghị đưa nhóm này vào diện tham gia BHXH bắt buộc với mức hỗ trợ của Nhà nước không quá 14% mức đóng. Tuy nhiên, đa số ý kiến tán thành với quy định nhóm này tham gia BHXH tự nguyện, nhưng đề nghị cần bổ sung quy định căn cứ đóng BHXH là mức tiền lương cơ sở và Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 10%, đồng thời cần có cơ chế khuyến khích các địa phương và NLĐ tham gia ở mức cao hơn.

Với các nhóm còn lại, chúng ta đang phấn đấu chuyển dịch lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ nhằm tăng nhanh lao động có quan hệ lao động. Chính vì vậy, Nhà nước sẽ phải tính toán phương án hỗ trợ để tăng số lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH, căn cứ vào điều kiện KT-XH để xác định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ theo lộ trình.

* Liên quan đến cách tính lương hưu, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng điều chỉnh cách tính lương hưu của đối tượng CBCCVC Nhà nước từ năm 2015. Dự định này đã khiến nhiều NLĐ lo lắng. Ông có thể cho biết thêm về việc điều chỉnh này.

- Lý do khiến vấn đề này gây tranh cãi, băn khoăn là: Sửa luật BHXH có làm giảm lương hưu so với hiện nay không? Câu trả lời là có giảm, nhưng điều đó là hợp lý. Tại sao? Chúng ta phải khẳng định rõ: Nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng. Quỹ BHXH là quỹ tài chính liên quan đến ASXH của hàng chục triệu lao động. Trước đây, khi xây dựng Luật BHXH năm 2006, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, nhưng trên thực tế, tính toán đầy đủ thì chỉ có thể tương ứng với 38%. Bây giờ, ngân sách và Quỹ BHXH không thể bao cấp theo cách đó nữa, mà chúng ta phải đi theo lộ trình tính đúng, tính đủ để đảm bảo có đóng, có hưởng, đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu.

Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), lương hưu của CBCCVC và lực lượng vũ trang thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu sẽ phải tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH như đối với NLĐ khu vực ngoài nhà nước. Cách tính này lương hưu của khu vực công sẽ thấp hơn cách tính hiện nay, nhưng đảm bảo bình đẳng giữa khu vực công và tư. Tuy nhiên, cách tính lương hưu này sẽ chỉ áp dụng cho những NLĐ tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025, còn đối với NLĐ đóng BHXH trước đó sẽ kéo dãn thêm hai lộ trình 15 năm và 20 năm, sau đó sẽ tính bình quân cả quá trình. Như vậy, đến ngày 1/1/2045, mới có người đầu tiên trong khu vực công và lực lượng vũ trang hưởng lương hưu tính bình quân theo cả quá trình.

Cần phải nói rằng, chính sách BHXH cũng như BHYT bao giờ cũng đem lại lợi ích cao nhất cho người dân. Có người nào đó nói rằng: “Tham gia BHXH thì thà rằng gửi tiền tiết kiệm” là không đúng. Nguyên tắc của BHXH là tăng trưởng quỹ, bảo toàn quỹ. Khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng lên thì Nhà nước có trách nhiệm điều chỉnh để bù đắp trượt giá. Bên cạnh đó, còn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia cả khi gặp rủ ro như chế độ tử tuất. Như thế thì làm sao lại nói tham gia BHXH là thiệt được!

* Nếu những điểm mới này được Quốc hội thông qua, ông có thể cho biết điều đó sẽ tác động đến việc thực hiện BHXH như thế nào?

- Nếu dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua và quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính tuân thủ pháp luật thì đây sẽ là cơ sở để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đạt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, tương ứng với khoảng  24,4 triệu người (trong đó khu vực có quan hệ lao động tăng khoảng 9,4 triệu, khu vực không có quan hệ lao động đạt khoảng 4 triệu người tham gia). Theo tính toán, các chỉ tiêu trên sẽ hoàn toàn có thể thực hiện được, khi NSNN đảm bảo hỗ trợ trong 5 năm khoảng 5.119 tỷ đồng hỗ trợ 10% mức đóng BHXH tự nguyện cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã (theo mức lương cơ sở) và tối đa 35% cho các các đối tượng còn lại (tính theo mức chuẩn nghèo hiện nay).

Về chế độ hưu trí và cân đối Quỹ BHXH, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Điều 90 của Bộ luật Lao động là cần thiết để đảm bảo thu đúng tiền lương thực tế của NLĐ, góp phần tăng nguồn thu cho Quỹ BHXH khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Và lộ trình thực hiện từ 1/1/2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn. Tuy nhiên, thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018. Đồng thời, cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách BHXH cũng như lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 lên 20 năm để đạt 45% vào năm 2022. Ngoài ra, còn giảm tối đa các TTHC và rút ngắn thời gian giải quyết chính sách BHXH trên cơ sở ứng dụng CNTT vào hiện đại hoá quản lý BHXH.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn