Già hóa dân số và gánh nặng bệnh tật

07/10/2014 02:27 AM


Với một đất nước mới “thoát nghèo” như Việt Nam, già hóa dân số đang biến thành "rắc rối kép", đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế và an sinh xã hội. Đặc biệt là gánh nặng bệnh tật đang để lại nhiều hệ lụy khi hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) chưa đáp ứng nhu cầu.


Mỗi đời người, hơn 15 năm bệnh tật

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn rất nhiều nước có cùng trình độ phát triển. Trong khi đó, NCT Việt Nam chủ yếu sống ở vùng nông thôn, hầu hết đều gặp khó khăn về cuộc sống và không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Trên 70% NCT Việt Nam đang phải tự lao động trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chỉ có 25,5% sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội. Đề cập đến vấn đề bệnh tật của NCT, GS.TS Phạm Thắng - Giám đốc BV Lão khoa T.Ư cho rằng, một mặt người già phải đối phó với các bệnh lây nhiễm, mặt khác phải đương đầu với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính và thoái hóa như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ... Đa số các bệnh này đều phải điều trị suốt đời. Chi phí điều trị trung bình cho một NCT cao gấp 7 - 8 lần chi phí điều trị cho một trẻ em. Theo nghiên cứu của BV Lão khoa T.Ư, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân điều trị tại BV Lão khoa T.Ư, một bệnh nhân thường mắc 5 - 6 bệnh.

Khảo sát mới đây của Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, có tới 95% NCT có bệnh và đa số chưa có thói quen khám bệnh định kỳ. Vì vậy, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ khuyết tật của NCT  rất cao. Trong đó, khuyết tật thường gặp là mất thị lực và thính lực. Bà Ritsu Nacken - Phó trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, kết quả điều tra cho thấy, tuổi thọ cả nam lẫn nữ tại Việt Nam đang tăng lên (73 tuổi đối với nữ và 69 tuổi đối với nam) và theo dự báo đến 2029, cứ 6 người dân sẽ có một NCT. Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam lại chưa cao, trung bình mỗi NCT Việt Nam phải chịu 15,3 năm bị bệnh tật trong cuộc đời mình. Con số này cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia đã phát triển.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sau 3 năm thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT về thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, ông Khuê cũng thẳng thắn thừa nhận, trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT  còn nhiều khó khăn như nhiều tỉnh chưa hướng dẫn và triển khai chăm sóc sức khỏe cho NCT, chưa bố trí kinh phí thực hiện Thông tư về chăm sóc sức khỏe cho NCT tại y tế xã, phường. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, bác sĩ... còn thiếu và yếu nên khó khăn trong khám sức khỏe định kỳ, tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho NCT tại cộng đồng. Đây chính là “lỗ hổng” lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho NCT, nhất là trong xu thế dân số già đang tăng nhanh như hiện nay. Trước vấn đề này, GS.TS Phạm Thắng đề xuất, để xây dựng hệ thống y tế cho NCT, cần tăng cường đào tạo bác sĩ, điều dưỡng viên và người chăm sóc trong lĩnh vực này và cần thực hiện đúng quy hoạch với mỗi BV có một khoa lão khoa, đồng thời, thành lập bộ môn lão khoa tại các trường Đại học Y…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, quy hoạch của ngành y tế, đến năm 2015 sẽ xây dựng BV Lão khoa T.Ư cơ sở 2 với quy mô 500 giường bệnh, tiếp đến thành lập BV Lão khoa tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đồng thời, nâng cao chức năng của hệ thống bác sĩ gia đình là quản lý sức khỏe NCT ở cộng đồng...

Theo Báo Kinh tế đô thị