Giảm nghèo bền vững cần chuyển từ "trợ giúp" sang "hỗ trợ"

07/10/2014 02:21 AM


Cơ chế thực hiện công tác giảm nghèo hầu như mới ở mức độ trợ giúp đối với hộ nghèo, vì thế để giảm nghèo bền vững, cần đổi mới về cơ chế chính sách trợ giúp xã hội.


Hội thảo “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và định hường đổi mới chính sách trợ giúp xã hội”. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Đó là đa số ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý và những người làm công tác giảm nghèo tại Hội thảo “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội” tại các tỉnh phía Nam do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 30/9 tại TPHCM.

Theo báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong những năm qua công tác giảm nghèo của nước ta đã đạt được những thành tựu lớn. Tuy nhiên ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho rằng công tác giảm nghèo trên phạm vi quốc gia còn bộc lộ khá nhiều bất cập. Đó là tỉ lệ nghèo giữa các vùng miền còn khoảng cách khá lớn; nguồn vốn tín dụng hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là đối với chương trình cho vay hộ nghèo cũng như việc cho vay sản xuất, kinh doanh chưa gắn kết với chuyển giao khoa học, phương thức sản xuất và kết nối với người sản xuất và thị trường; chưa đào tạo được nghề mới và chủ yếu vẫn là đào tạo ngắn hạn…

Đặc biệt, các chính sách liên quan đến giảm nghèo chưa được phân hóa phù hợp với địa bàn, đối tượng nên chưa huy động được khả năng tham gia của cộng đồng, của người nghèo. Thậm chí một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng miền, từng đối tượng nên hiệu quả công tác giảm nghèo chưa cao.

Vì vậy, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, để thực hiện được các mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trước tiên cần có những điều chỉnh, đổi mới về chính sách trợ giúp xã hội sang hỗ trợ các chính sách giúp người nghèo có thể phát triển sản xuất, kinh doanh để có thu nhập thường xuyên và ổn định, từ đó mới có thể giảm nghèo một cách bền vững trên bình diện quốc gia.

Trợ giúp xã hội là khoản đầu tư

Để giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng chính sách cần đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, việc phân loại đúng, chính xác, kịp thời hộ nghèo để hỗ trợ nguồn lực cho từng đối tượng người nghèo, hộ nghèo phải đi đôi với nâng cao năng lực về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng tới kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh và dạy nghề; năng lực tiếp cận thị trường; ý thức chí thú sản xuất, làm việc, tiết kiệm trong đời sống của mỗi hộ gia đình.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đối với người nghèo theo hướng tư vấn trực tiếp để phát huy khả năng của người nghèo trong phát triển kinh tế gia đình dưới sự trợ giúp của Chính phủ. Chính phủ và cộng đồng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện còn bản thân người nghèo phải chủ động vươn lên để thoát nghèo. Các khoản trợ giúp xã hội, hỗ trợ của Chính phủ là một khoản đầu tư ban đầu để người nghèo có cơ hội thoát nghèo.

Ông Y Long Nie, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần bổ sung thêm phương pháp, quy trình xác định hộ nghèo theo hướng tiêu chí xác định hộ nghèo nên tiếp cận đa chiều, đánh giá nghèo toàn diện như các yếu tố tác động và mức độ tiếp cận của hộ gia đình về đất sản xuất, việc làm, nhà ở, y tế… chứ không chỉ căn cứ vào thu nhập; tạo điều kiệm về vốn để những hộ thoát nghèo không tái nghèo.

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Ban Văn hóa xã hội, Thường trực HĐND TPHCM, các chính sách trợ giúp xã hội cần được đổi mới theo hướng hỗ trợ để chính những người nghèo phải ý thức được việc thoát nghèo do chính bản thân họ quyết định. Việc tăng cường hệ thống chính sách và cơ chế hỗ trợ duy trì việc làm, hỗ trợ những lao động mất việc tìm kiếm công việc khác, đào tạo nghề có vai trò quyết định tới quá trình thoát nghèo của các hộ gia đình.

Mặt khác, về lâu dài cần hoàn thiện các chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn như đa dạng hóa các chế độ bảo hiểm tự nguyện thay vì chỉ có 2 hình thức như hiện nay để thu hút nông dân, lao động khu vực phí chính thức và lao động thời vụ tham gia, từ đó giúp họ có những tích lũy.

Theo Chinhphu.vn