“Lênh đênh” sức khỏe ngư dân

01/10/2014 09:38 AM


Mô hình y tế chưa phù hợp, mạng lưới y tế còn mỏng, thiếu cả nhân lực lẫn trang thiết bị, trong khi đó nhiều ngư dân vẫn mê tín, chưa chú trọng đến việc tự chăm sóc sức khỏe trong quá trình vươn khơi…, đó là hàng loạt vấn đề tồn tại của y tế biển đảo hiện nay.


Ngư dân thiếu kiến thức sơ cấp cứu

Theo ông Dương Minh Thạnh, Ủy viên Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngư dân đi biển thường phải đối mặt với rất nhiều tình huống tai nạn bất ngờ: Những khi gặp bão tố thì một chiếc dây thừng, một thanh gỗ nhỏ trên cánh buồm cũng dễ gây ra những thương tích nặng cho ngư dân.

Nguy cơ mắc bệnh và gặp tai nạn thương tích cao nhưng cả chục năm nay, mỗi khi ra biển, tủ thuốc của tàu ông Dương Minh Thạnh chỉ có vỏn vẹn một ít thuốc cảm, thuốc cầm máu, thuốc xoa bóp và băng gạc cá nhân. Nếu như bị ốm nhẹ, các thuyền viên trên tàu tự điều trị bằng những loại thuốc đơn giản đó, trường hợp ai đó không may bị thương nặng thì chỉ có một cách duy nhất là quay tàu vào bờ hoặc tìm một đảo gần nhất để nhờ sự cấp cứu của lực lượng quân y.

Anh Lê Văn Danh (An Hải, Lý Sơn) cho biết, tàu anh mỗi khi ra khơi cũng chỉ mang ít thuốc cảm, bông băng, thuốc trợ lực giúp anh em đỡ mỏi mệt… Khi có sự cố, anh em thuyền viên trên tàu thường tự sơ cứu cho nhau theo kinh nghiệm “truyền miệng”, chứ chưa từng được học qua một lớp sơ cứu căn bản nào.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, khi đi biển, ngư dân có nguy cơ mắc bệnh đau đầu, đau bụng, đau dạ dày, những tai nạn gây đa chấn thương hoặc ngừng tim, ngừng tuần hoàn... Trong những trường hợp này, nếu tàu không có nhân viên y tế hoặc người có hiểu biết sơ đẳng về cách sử dụng thuốc, sơ cứu để đưa người bệnh về cơ sở y tế gần nhất thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, thực tế, phần lớn các tàu cá (cả gần và xa bờ) đều chưa có nhân viên y tế, thiếu cả tủ thuốc dự phòng.

“Công tác chăm sóc sức khỏe cho ngư dân trên biển gặp nhiều khó khăn còn do sự mê tín dị đoan. Ngư dân thích mang rượu đi biển hơn là mang theo áo phao và tủ thuốc. Đơn giản vì họ quan niệm mang theo phao cứu sinh là điềm không tốt mỗi khi ra khơi. Cũng vì các chủ tàu, ngư dân chỉ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe khi đã ốm đau, tai nạn, nên rất ít ngư dân chủ động tham gia mỗi khi chúng tôi tổ chức các lớp giảng dạy về sơ cấp cứu ban đầu. Để khắc phục, chúng tôi thường phải phối hợp với địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng để tổ chức các lớp tập huấn”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Mạng lưới y tế mỏng

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện (BV) Đa khoa Bạch Long Vĩ, huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết: “BV đã được Sở Y tế và UBND TP Hải Phòng quan tâm, đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Nhưng vì điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, ví dụ có máy nhưng không có hóa chất làm xét nghiệm, không có điện nên rất khó khăn trong quá trình KCB”.

Bên cạnh đó, BV Đa khoa huyện Bạch Long Vĩ cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực y tế. Là BV dân sự duy nhất trên đảo, BV kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức năng: Khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình… Trung bình mỗi năm, BV khám cho từ 2.000 - 2.500 lượt bệnh nhân, mổ vài trăm ca tiểu phẫu và hàng chục ca trung phẫu… Tuy nhiên, do chỉ có 10 cán bộ biên chế, 5 cán bộ hợp đồng nên các cán bộ trong BV phải chia nhau phụ trách nhiều công việc, gây khó khăn không ít cho công tác chuyên môn. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là BV được tăng thêm số lượng biên chế”, ông Đỗ Tiến Dũng chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết: “Công tác KCB cho bệnh nhân ở huyện đảo cũng đang gặp không ít khó khăn”.

Nguyên nhân chủ yếu do chính sách hỗ trợ đối với y, bác sỹ chưa thích đáng nên một số cán bộ chưa thực sự yên tâm công tác ở đảo. Trung tâm thiếu nhiều cán bộ chuyên khoa, đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa ngoại, khoa sản nên khó khăn khi có bệnh nhân cấp cứu. Các trang thiết bị tuy đã được đầu tư, song vẫn chưa đồng bộ so với nhu cầu thực tế. Đặc thù ở ngoài hải đảo nhưng phương tiện vận chuyển bệnh nhân trên biển nhỏ, không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển cấp cứu trong điều kiện sóng to, gió lớn trên cấp 6. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư qua nhiều năm đã xuống cấp chưa được nâng cấp sửa chữa lại, nên hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Thực tế, không chỉ riêng BV Đa khoa huyện Bạch Long Vĩ, Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô gặp khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị mà nhiều cơ sở y tế tại các huyện đảo khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Đánh giá mới đây của chính Bộ Y tế sau 1 năm thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” cho thấy, nhiều cơ sở y tế vùng biển đảo vẫn thiếu trang thiết bị y tế đặc thù trang bị phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo. Cơ sở hạ tầng y tế trên đảo tuy đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên các công trình phù trợ chưa đầy đủ, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt; thiếu phương tiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên biển. Nguồn nhân lực phục vụ trong hệ thống y tế biển, đảo, tuy không thiếu hụt nhiều về số lượng nhưng rất thiếu hụt kiến thức y học biển.

Theo Báo Tin tức