Năng suất lao động thấp chưa phản ánh khả năng của LĐ Việt

30/09/2014 09:51 AM


Vừa qua, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) công bố năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á, Thái Bình Dương nhưng cũng chính tổ chức này sau đó lại nhận định năng suất lao động của một quốc gia không phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó.


ILO đã công bố một một nghiên cứu cho rằng năng suất lao động (NSLĐ) của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. Theo nghiên cứu này, năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt Nam; thậm chí năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan - hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN.

Nghiên cứu này sau đó đã vấp phải sự tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận, ngay cả thứ Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội Phạm Minh Huân cũng cho rằng, nghiên cứu này chưa chính xác và không phản ánh được đầy đủ năng lực của lao động Việt Nam.

“Lao động Việt Nam chủ yếu làm trong ngành da giày, dệt may thì không thể tạo ra giá trị gia tăng cao được, trong khi đó, lao động Singapore chủ yếu làm trong ngành dịch vụ thì đương nhiên họ sẽ tạo ra giá trị trên một đơn vị thời gian cao hơn” – thứ trưởng Huân nói.

Về vấn đề này, ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của ILO tại Châu Á-Thái Bình Dương cho hay, ILO tính toán NSLĐ của Việt Nam dựa trên định nghĩa là số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc (hoặc trên mỗi giờ lao động).

Tuy nhiên, ông Malte Luebker thừa nhận, NSLĐ của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó.

NSLĐ của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc, công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng.

“Bởi vậy nếu từ các thống kê về NSLĐ mà kết luận rằng người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là không đúng” – ông Malte Luebker nói.

Nghiên cứu gần đây của ILO cho thấy, NSLĐ trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp.

Ở những quốc gia như Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp; lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức (ở đó, người lao động thường không được tiếp cận với những công nghệ mới nhất hoặc hiện đại nhất), do đó NSLĐ chung thấp hơn.

Ngược lại, Singapore có NSLĐ cao hơn, bởi vì nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm. “Do vậy, NSLĐ ở đây chỉ là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia” – ông Malte Luebker bày tỏ.

Theo đó, ILO đã đưa ra hai con đường để tăng NSLĐ cho các quốc gia ASEAN. Thứ nhất là tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề.

Tuy nhiên, năng suất lao động có thể tăng nhiều nhất thông qua con đường thứ hai đó là chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Bởi vậy, các quốc gia cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp.

Để làm được điều này, các chính phủ cần cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, và các doanh nghiệp cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.

Theo Thời báo kinh tế Sài gòn