Dòng chảy ngầm mang tên thuốc giả

30/09/2014 09:45 AM


Dù cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý không ít vụ mua bán thuốc Đông - Tây y giả nhưng hiện tượng trên dường như vẫn không nguội bớt.


Thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị lực lượng chức năng thu giữ

Nhiều đường dây, tổ chức vẫn thách thức pháp luật, công khai mua bán thuốc "nhái" ở nhiều tỉnh, thành, địa phương. Mới đây nhất, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cũng đã phát hiện ra sự việc "động trời" tại công ty VN Pharma. Theo đó, lãnh đạo công ty đã móc nối với một số đối tượng ngoài xã hội nhập khẩu một số lượng lớn thuốc không rõ nguồn gốc từ nước ngoài về Việt Nam phân phối. Sự việc một lần nữa khiến nỗi lo về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc quá "đát" trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Kinh hoàng đường đi của tân dược nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Hùng (36 tuổi, ngụ P.14, Q.10, TP.HCM), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma và ông Vũ Mạnh Cường (36 tuổi), đại diện một công ty dược nước ngoài có trụ sở tại TP.HCM về hành vi buôn lậu. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, ông Hùng đã lấy pháp nhân của công ty Pharma để móc nối với một số đối tượng ngoài xã hội nhập khẩu một số lượng lớn thuốc không rõ nguồn gốc từ nước ngoài về Việt Nam. Tiếp theo, ông Hùng bằng nhiều phương thức khác nhau đã hợp thức hóa, phân phối số thuốc này trên thị trường. Trước đó, vào chiều và tối 19/9, Cơ quan an ninh điều tra tiến hành bắt khẩn cấp cả hai bị can, đồng thời khám xét trụ sở công ty VN Pharma (địa chỉ phường 14, quận 10, TP.HCM). Sau khi bị bắt, ông Hùng đã được di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Được biết, qua quá trình khám xét cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ một số tài liệu liên quan đến vụ án, trong đó có một bộ giấy tờ giả mạo.

Điều tra ban đầu cho thấy, trước khi nhập khẩu lô thuốc H-Capita (trị ung thư) vào tháng 4/2014, các bị can nói trên đã cung cấp cho bộ Y tế giấy xác nhận của một tham tán Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada về lô thuốc trên. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu lô thuốc này, ông Hùng và ông Cường đã thông qua một công ty dược tại Hồng Kông mua và nhập về Việt Nam, trị giá lô hàng khoảng 750.000 USD. Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan chức năng, giấy xác nhận của tham tán Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada là giả mạo. Nguồn tin từ Bộ Y tế xác nhận, cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, đề nghị hỗ trợ xác minh một số hồ sơ đăng ký thuốc nhập khẩu do công ty VN Pharma và công ty có liên quan đứng tên đăng ký. Kết quả xác minh cho biết, hồ sơ đăng ký thuốc không đúng sản phẩm của Canada, do đó cục Quản lý Dược sẽ rút số đăng ký lưu hành của các sản phẩm có giả mạo về hồ sơ. Cơ quan điều tra tình nghi việc làm giả này nhằm hợp thức hóa lô thuốc H-Capita không rõ nguồn gốc nhằm thu lợi bất chính.

Được biết, ông Nguyễn Minh Hùng không chỉ là Chủ tịch HĐQT - TGĐ công ty VN Pharma, mà còn là Phó TGĐ công ty TNHH MTV dược Nam Anh. Vào tháng 5/2014, VN Pharma đã trúng thầu 46 mặt hàng thuốc trị giá lên tới hơn 267,8 tỉ đồng vào gói thầu thuốc của sở Y tế TP.HCM. Cùng thời điểm, công ty Nam Anh cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208,4 tỉ đồng cho gói thầu thuốc tập trung của sở Y tế TP. HCM. Tổng cộng, hai công ty nói trên đã trúng thầu cung ứng thuốc cho sở Y tế thành phố 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng. Trong một diễn biến khác, trả lời báo chí, Phó Tổng Giám đốc công ty VN Pharma Ngô Anh Quốc ngày 24/9 khẳng định, thuốc H-Capita hiện chưa xuất kho viên nào. Theo ông Quốc, thuốc này đã được viện Kiểm nghiệm kiểm tra chất lượng và xác nhận đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở nhưng hiện nay chưa xuất kho do bị cục Quản lý Dược niêm phong. ông này cũng nhắc lại cam kết vẫn cung ứng thuốc bình thường cho các bệnh viện, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra. "Có bệnh thì vái tứ phương" đã trở thành câu nói cửa miệng của người dân mỗi khi bị bệnh tật. Thế nên, dù là đông hay tây y, chỉ cần bài thuốc đó đem lại hiệu quả là người bệnh sẽ tìm đến và sử dụng.

Trung tuần tháng 7/2014, báo ĐS&PL từng đưa tin về vụ bắt giữ lô thuốc kháng sinh khổng lồ được nhập lậu từ Trung Quốc. Theo thông tin mà PV tiếp cận được, ngày 16/7, đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm (đội 6), phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - PC49, Công an TP.Hà Nội phối hợp với Thanh tra sở Y tế Hà Nội, bất ngờ kiểm tra phòng khám đa khoa 168 Ngọc Hồi (Thanh Trì). Tại đây, tổ công tác phát hiện hai chiếc xe ba bánh chở 20 thùng carton chứa gần 7.000 lọ thuốc kháng sinh vào phòng khám. Nhận thấy lô thuốc có dấu hiệu bất thường, cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu chủ hàng và lái xe đưa toàn bộ số thuốc trên về trụ sở PC49 để xác minh làm rõ. Danh tính chủ lô hàng được xác định là Dư Thiếu Lượng (SN 1987, quốc tịch Trung Quốc), quản lý phòng khám. Tại cơ quan điều tra, Lượng khai nhận toàn bộ số thuốc trên không có hóa đơn, chứng từ. Số lượng thuốc này được vận chuyển qua đường biên giới Trung Quốc - Lạng Sơn sau đó chuyển về Hà Nội. Được biết, lô thuốc trên được Lượng tập kết về phòng khám 168 Ngọc Hồi để chuẩn bị mở phòng khám mới trên địa bàn Thủ đô. Rất may, đường dây này đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ kịp thời. Thời điểm đó, Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng đội 6, PC49 cho biết, đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng nếu không ngăn chặn kịp thời để số lượng thuốc này "tuồn" ra thị trường thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe người dân.

Ngoài lô thuốc nêu trên, trước đó không lâu, tại cánh đồng giáp ranh giữa huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai, người dân phát hiện hàng nghìn vỉ thuốc nhiều nhãn mác đã bị xóa vứt la liệt trên cánh đồng. Được biết, số thuốc trên của công ty Intechpharm (địa chỉ tại 67/373 Ngọc Hồi, Thanh Trì). PC49 đã phối hợp cùng Thanh tra sở Y tế tiến hành kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất thuốc của công ty trên. Trong buổi kiểm tra, ngoài 54 bao tải thuốc trên cánh đồng, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Không riêng địa bàn Hà Nội, tại nhiều địa phương trên cả nước, hiện tượng thuốc giả cũng đang vô cùng nhức nhối. Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ 1,2 tấn tân dược nhập lậu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đánh giá đây là tân dược kém chất lượng, giả nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ và đều do Trung Quốc sản xuất.

Những con số "chết người"

Tình trạng thuốc Đông y cũng "bê bối" không kém. Một thông tin khiến người dân bị sốc từng được công bố là viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã lấy gần 400 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm và kết quả có tới 60% trong số đó chưa đạt chất lượng. Thậm chí, có 20% số thuốc bị trộn cát, xi măng, tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được sản xuất và dán nhãn dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo về nguồn gốc và lai lịch sản phẩm. Số liệu thống kê của tổ chức này cho biết, thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỉ euro/năm, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả. Theo số liệu được Viện Dược liệu thống kê, khoảng 90% dược liệu thuốc Bắc trong nước được nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, theo Tổ chức Hòa bình xanh (Green Peace), qua thử xét nghiệm 65 loại dược liệu phổ biến của Trung Quốc thì có đến 50 loại dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu. Kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) đối với nguyên liệu thuốc bắc được nhập lậu thì trong số 49 mẫu có 15 mẫu có hàm lượng lưu huỳnh, asen (thạch tín) vượt quá chỉ số cho phép nhiều lần.

 

Theo GDVN