Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động: Đề cao tính phòng ngừa

30/09/2014 09:38 AM


"Luật phải có chế tài để đảm bảo thực thi nghiêm. Việc vi phạm vệ sinh an toàn lao động đến mức nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến về Dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).


2% số vụ TNLĐ có truy cứu trách nhiệm hình sự

Tai nạn lao động (TNLĐ) có xu hướng tăng nhanh từ 840 trường hợp năm 1995 lên 3.405 trường hợp năm 2000 và 6.337 trường hợp năm 2007. Riêng năm 2011 đã xảy ra 5.896 vụ TNLĐ làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết. Số liệu thống kê báo cáo này chủ yếu được thu thập từ các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, còn rất nhiều trường hợp tai nạn và tử vong tại nơi làm việc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cả nước chỉ có hơn 450 thanh tra viên nhưng phải đảm nhiệm thanh tra nhiều lĩnh vực của ngành. Trong đó số thanh tra viên tham gia làm nhiệm vụ thanh tra ATVSLĐ chỉ có khoảng 150 người, nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng. Các vụ TNLĐ chết người hầu hết không đảm bảo thời hạn điều tra theo quy định, số vụ có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2%.

Điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật ATVSLĐ là mở rộng phạm vi áp dụng cho cả người lao động không có quan hệ lao động (lao động tự do). Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng với cả khu vực lao động tự do là cần thiết. Bởi thực tế có khoảng 67% người lao động đang làm việc ở khu vực này. Ý tưởng là nhân đạo nhưng dự thảo luật phải xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể mới khuyến khích người lao động ở khu vực lao động tự do áp dụng các tiêu chuẩn ATVSLĐ khi làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, bệnh nghề nghiệp cao và ảnh hưởng sức khỏe cao.

Vi phạm nghiêm trọng phải chuyển sang hình sự

Cho ý kiến về lực lượng thanh tra chuyên ngành khi luật được thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, mỗi huyện cần 3 - 4 thanh tra, với 700 huyện trên cả nước thì biên chế sẽ là hơn 2.100 người: "Lượng thanh tra như vậy nhưng có đảm bảo việc thanh tra? Chỉ nên thành lập thanh tra chuyên ngành ở tỉnh và T.Ư, không nên thành lập ở huyện". Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng luật tránh chung chung, nếu chưa chặt chẽ thì luật khó đi vào cuộc sống: "Ví dụ như quy định hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm thuế đối với việc sản xuất dụng cụ, thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân. Viết như vậy liệu có thực hiện được không hay chỉ là ý tưởng". Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước góp ý: "Trong luật phải thể hiện tính phòng ngừa việc xảy ra tai nạn... cần bổ sung điều cấm người sử dụng lao động thuê người lao động không đúng chuyên môn của họ vào lĩnh vực tiềm ẩn nguy hiểm". Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: "Luật phải quy định rõ, nếu không thực hiện thì bị làm sao? Luật phải có chế tài để đảm bảo thực thi. Việc vi phạm VSATLĐ đến mức nghiêm trọng thì phải chuyển sang hình sự".

Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra gần 3.500 vụ tai nạn lao động làm 3.505 người bị nạn. Trong đó, có 280 người chết, 660 người bị thương nặng, 58 vụ có hai người bị nạn trở lên. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn lao động tăng 3%, số nạn nhân tăng 2%. Công tác an toàn vệ sinh lao động hiện còn một số yếu kém. Việc tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, một số cơ sở thực hiện chỉ nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Nhiều nơi môi trường sản xuất ô nhiễm gây bệnh tật, suy giảm sức khỏe cho người lao động. Chỉ 15% người lao động được huấn luyện về an toàn lao động. Việc đo kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động còn rất hạn chế. Số vụ tai nạn lao động chết người có quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự rất thấp, chỉ khoảng 2%. Vì thế, rất cần có một luật riêng quy định về vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Điểm mới trong dự luật này là mở rộng đối tượng điều chỉnh ra cả nhóm không có quan hệ lao động (không ký kết hợp đồng lao động) - hiện chiếm đến 67%.

Theo Dân Việt, VNE