Sinh viên khối Kinh tế: Khó khăn vì thiếu kỹ năng làm việc

26/09/2014 08:00 AM


Nhiều sinh viên khối ngành Kinh tế bị chê thiếu kỹ năng việc làm, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu kỹ năng giao tiếp... đã phải xoay xở, tự tìm cho mình một lối "thoát".


Con số 162.000 người có trình độ Đại học (ĐH) trở lên bị thất nghiệp mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố khiến dư luận phải giật mình. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, lỗ hổng hướng nghiệp và chất lượng đào tạo các trường ĐH, CĐ hiện nay là nguyên nhân chính. Không chỉ với sinh viên các ngành xã hội mà ngay cả với sinh viên khối ngành kinh tế. Một minh chứng cụ thể về điều này, tại hội thảo về Quốc gia "Đào tạo Marketing theo nhu cầu xã hội ở Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội, nhiều giảng viên đã thừa nhận: "Thực trạng đào tạo ngành Marketing đang rơi vào "khủng hoảng" số lượng giáo viên vừa thiếu vừa yếu. Nội dung các môn học trong chương trình đào tạo ngành marketing đều được biên soạn từ các giáo trình tài liệu của nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn kinh doanh ở Việt Nam dẫn đến nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này ra trường vẫn chưa định hướng được sẽ làm như thế nào?

GS.TS Trần Minh Đạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân thẳng thắn thừa nhận: "Vẫn còn một số môn học không mới nhưng giáo trình và tài liệu phục vụ cho nghiên cứu không nhiều, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp nhận kiến thức của sinh viên cũng như điều kiện tiếp cận môn học đó của các giáo viên mới. Điển hình là các môn học như Quản trị Thương hiệu, Quản trị giá, Marketing dịch vụ, Quản trị bán hàng, marketing công nghiệp... những môn học đã được đưa vào đào tạo từ rất lâu nhưng vẫn chỉ có các tài liệu tham khảo chứ chưa hề có một cuốn giáo trình được coi là kim chỉ nam cho giảng dạy và học tập các môn học đó". Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty Golden Key, là cựu sinh viên chuyên ngành Marketing cho biết: "Khi ra trường, tôi vẫn chưa hình dung được công việc mình ra sao và không thể nào xác định cho mình một hướng đi rõ ràng. Những kỹ năng lẽ ra cần thiết cho một cán bộ marketing nhưng tôi chưa được đào tạo và tôi đã phải lăn lộn rất nhiều trong thực tế mới thành công được. Đó là các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán cũng như các công tác liên quan tới hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, đặc biệt khi giao dịch với khách hàng quốc tế".

Còn tại một hội thảo về việc làm tại TPHCM, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Nhân sự tập đoàn BigC Việt Nam cho hay, ứng viên bị đánh trượt khi tham gia thi tuyển vào BigC chủ yếu do đào tạo, lộ trình nghề nghiệp không phù hợp với vị trí tuyển dụng. Ứng viên thiếu các tiêu chí mà vị trí tuyển dụng yêu cầu như về chuyên môn, kinh nghiệm, khả năng tư duy, kỹ năng xử lý, tình cách và thái độ làm việc. Chính vì lẽ đó, ngay trong những đợt thi ĐH, nhiều học sinh dè dặt đăng ký khối ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng vì lo lắng nhu cầu nhân lực "bão hòa", trong thời điểm hiện nay. Chia sẻ với nỗi lo lắng của học sinh, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho rằng: "Có thể có ngành hiện nay đang hot nhưng không phải 4-5 năm nữa vẫn có nhu cầu nhân lực cao và ngược lại, vì thế các bạn thí sinh cần phải nhìn xa hơn. Ví dụ như hiện nay nhóm ngành kinh tế không nóng như 4-5 năm trước, nhưng sau giai đoạn hiện nay thì kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại và nhu cầu nhân lực ngành kinh tế - ngân hàng sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều".

Để thoát khỏi "ấn tượng" của các nhà tuyển dụng về việc sinh viên yếu kỹ năng cả về chuyên môn và làm việc, nhiều sinh viên ngành Marketing ra trường đã đầu tư vào học các chương trình nước ngoài để chọn được những công việc ưng ý. Thùy Dương (sinh năm 1987), tốt nghiệp Thạc sỹ Marketing tại Trường Đại học Southampton, hiện đang là trợ lý cho một giám đốc Marketing người Úc. Dương cho hay, chính môi trường học tập đã giúp Dương có vị trí như ngày hôm nay: "Trong suốt quá trình giảng dạy, các thầy cô trong lớp mình đã mời đến rất nhiều khách mời để chia sẻ về công ty, về những tình huống phù hợp với bài giảng và những định hướng nghề nghiệp mà sinh viên cần xác định rõ. Khi làm việc với người nước ngoài mình rất tự tin vì đó một trong những lợi thế khi đi du học từ Vương quốc Anh về. Ngoài ra, những kiến thức về chăm sóc và am hiểu khách hàng từ trường lớp khiến cho mình tiếp nhận công việc nhanh chóng từ những ngày đầu đi làm. Hơn nữa, vì đã được trang bị những công cụ đo lường marketing qua các môn học nên việc mình đưa ra những giải pháp đo lường trong công việc rất được cấp trên đánh giá cao. Định hướng nghề nghiệp là việc quan trọng nhất đối với sinh viên, đánh giá về ngành học của mình, Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển mạnh trong khu vực, nhu cầu khách hàng ngày một tăng cao. Tất cả các doanh nghiệp dù lớn hay bé, trong nước hay nước ngoài đã bắt đầu chú trọng đầu tư vào Marketing để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Khi thị trường càng phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực Marketing sẽ càng tăng cao".

Còn Ngô Hà Linh (sinh năm 1988), học ngành BSc Management hay còn gọi là Quản trị. Hiện Linh đã có 5 năm học tập tại Anh và gần 4 năm làm việc tại Việt Nam trong các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Linh cho biết, chính vì yêu thích ngành quản trị, tổ chức kinh doanh, đặc biệt là quản lý nhân sự cho các doanh nghiệp nên đã lựa chọn ngành học Management tại bậc Đại học. Và cho đến nay Linh vẫn hài lòng với quyết định về ngành học của mình. Thách thức trong ngành này chính là sinh viên cần phải xác định được sở thích và thế mạnh của mình để lựa chọn môn học cho phù hợp nhất, vì ngành này khá bao quát nên có thể sau khi ra trường các bạn sẽ chưa biết mình muốn làm công việc gì và theo đuổi sự nghiệp như thế nào. Một thách thức nữa, đối với ngành Quản trị, là số lượng các bạn theo học quản trị kinh doanh khá lớn nên khi ra nhập thị trường lao động sẽ cạnh tranh hơn các ngành nghề kỹ thuật hay IT hiện đang thiếu lao động. Do vậy, các kỹ năng được rèn rũa khi học tại Anh như kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án, kỹ năng nghiên cứu tổng hợp thông tin, viết báo cáo, sử dụng tiếng Anh thành thạo, và phong cách làm việc chuyên nghiệp là những yếu tố quan trọng trong công việc hàng ngày.

Theo GDVN