Cơ hội của lao động nhập cư trình độ cao trên đất nước mặt trời mọc

19/09/2014 09:35 AM


Brendan White, một sinh viên ngoại quốc đang học năm cuối tại Trường Đại học Temple quyết định tìm việc tại một hội chợ việc làm Nhật Bản. Đến từ Massachusetts (Mỹ), ban đầu cậu chỉ muốn du học tại Nhật Bản nhưng cơ hội được làm việc lâu dài tại các công ty, tập đoàn lớn ở nước này đã níu chân cậu ở lại.

Theo New York Times, trước đây, việc làm tại các công ty hay tập đoàn lớn ở nước Nhật vốn chỉ dành ưu tiên cho người bản địa nhưng cơ hội này hiện đã dành cho những sinh viên ngoại quốc có thực lực. Mục đích của những doanh nghiệp Nhật Bản là mở rộng thị trường kinh doanh trên toàn cầu. Họ nhận thấy nguồn nhân lực quốc tế là một trong những chìa khóa mở cánh cửa vào các thị trường khác dễ dàng hơn. Nhờ chính sách Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thị trường lao động Nhật Bản đã được cải thiện do nền kinh tế đang phục hồi. Tỷ lệ tuyển dụng đã lần đầu tiên đạt con số 1,1% vào tháng 6 vừa qua, nghĩa là trung bình có 110 việc làm cho 100 người tìm việc. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 6/1992. Chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe cũng đặt ưu tiên rõ ràng cho việc cải thiện hoạt động của các tập đoàn lớn, với niềm tin rằng doanh thu tốt hơn của họ sẽ giúp tăng lương cho người lao động, từ đó tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Ông Isao Ogake, Giám đốc Giáo dục và Việc làm toàn cầu Disco - nhà tổ chức Hội chợ Việc làm quốc tế Tokyo - cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân viên ngoại quốc tại các công ty Nhật Bản ngày càng lớn. Theo thống kê mới nhất của Disco, hơn 48% trong tổng số 800 công ty có quy mô trung bình và lớn muốn có thêm những nhân viên nước ngoài. Con số này vào năm ngoái là 35%. Còn những năm trước nữa chỉ vào khoảng 20%. Nhưng cơ hội để các sinh viên quốc tế được gia nhập vào một công ty Nhật Bản vẫn chưa thực sự dễ dàng. Ông Tomoyuki Ichikawa, quan chức điều hành bộ phận kinh doanh toàn cầu Pasona cho biết luôn khuyến khích các sinh viên quốc tế học cách cư xử của người Nhật, cho dù các công ty thường không yêu cầu. Trong một môi trường làm việc khắc nghiệt như nước Nhật, tinh thần làm việc nghiêm túc là những yếu tố quan trọng để khiến các nhân viên được chú ý nhiều hơn. Bên cạnh đó là yếu tố trang phục. Đối với người nước ngoài, đặc biệt là các sinh viên đến từ phương Tây, những quy định này được cho là khá cứng nhắc. Có đến 33% số sinh viên ngoại quốc được khảo sát cảm thấy khó chịu về quy định trang phục.

Ngược lại, với những sinh viên có ước muốn được làm việc tại Nhật Bản thì những quy định này chẳng phải vấn đề. Ramin Khatami, 27 tuổi, một kỹ sư tốt nghiệp tại Iran quyết định du học tại Nhật Bản vì muốn tìm công việc ở đây. Ramin cho rằng: “Các công ty Nhật rất cạnh tranh và ở đó bạn sẽ học được nhiều hơn những gì ở trường học. Tôi có thể thực hiện những mục tiêu trong tương lai của mình nếu vượt qua những khóa huấn luyện của các công ty này”. Còn Louis Klépal, kỹ sư đã tốt nghiệp tại Pháp, quyết định theo học ở Trường Đại học Keio (Tokyo), cho biết đã tìm thấy công việc tốt hơn sau một năm làm việc cho công ty kỹ thuật ở Nhật Bản. Louis chia sẻ, ngoài thái độ nghiêm túc, nên học cách nói chuyện với các khách hàng Nhật Bản và đó là một trong những yếu tố khiến cánh cửa việc làm luôn rộng mở.

Theo PLTPHCM