Giải quyết di dân tự do cần đẩy mạnh xóa đói nghèo

18/09/2014 08:43 AM


Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực miền núi khó khăn, tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự phát.


Di dân tự phát là vấn đề tất yếu đặt ra của quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Những năm trở lại đây, tình trạng di dân tự phát giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Số lượng di dân tự do ở khu vực Tây Bắc vào địa bàn Tây Nguyên có nguyên nhân chính là vì lý do kinh tế. Người dân di chuyển từ vùng kém phát triển, điều kiện sản xuất khó khăn sang những nơi thuận lợi hơn. Nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát, bố trí lại dân cư theo hướng phát triển bền vững, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là ở vùng kinh tế khó khăn; tăng cường quản lý Nhà nước về dân cư; rà soát cụ thể, phân loại các đối tượng di dân để quy hoạch sắp xếp lại… Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư cho những địa bàn khó khăn để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, bố trí các nguồn vốn để thực hiện các dự án đã được Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế cho người dân, nhất là những vùng có tiềm ẩn nguy cơ di dân cư tự do cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định di cư tự phát là một trong những vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực miền núi khó khăn, tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự phát, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những chương trình nổi bật như giải quyết vấn đề sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chương trình giảm nghèo. Với cố gắng đó, số hộ di dân tự do, đặc biệt là Tây Bắc, Tây Nguyên đã giảm hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, tình trạng phá rừng xảy ở những vùng di dân tự do, nhất là việc bố trí vốn xây dựng hạ tầng nơi đến thiếu nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề di dân tự do cần giải pháp đồng bộ trong đó, đặc biệt quan tâm việc động viên người dân không bỏ làng quê để di dân tự do vào các vùng khác. Đặc biệt chủ trương đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, chăm lo tốt hơn cho dân an cư lập nghiệp để dân không muốn đi, dù còn khó khăn. Việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở đầu đi rất quan trọng cùng với việc giáo dục ý thức trách nhiệm, hệ thống chính trị vào cuộc vận động nhân dân nếu di cư phải có tổ chức, kế hoạch của Nhà nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, với Việt Nam vấn đề nóng nhất là di cư tự phát đối với đồng bào các dân tộc Tây Bắc vào Tây Nguyên phải tiếp cận giải quyết một cách tổng thể trong việc phân bổ lại dân cư, lao động một cách căn cơ, chủ động theo phát triển của quốc gia, các vùng các địa phương, vấn đề dịch chuyển lao động theo cơ cấu kinh tế, là quy luật tự nhiên. Nhiều ý kiến khuyến cáo giải quyết căn cơ bài toán này. Về vấn đề di cư tự phát đang diễn ra, đặc biệt từ Tây Bắc vào Tây Nguyên, dù di cư có kế hoạch hay không thì vẫn phải giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật. Chúng ta không khuyến khích di cư tự phát, nhưng khi xảy ra, các cấp ủy đảng, chính quyền vẫn phải có trách nhiệm, đảm bảo điều kiện sống và sinh kế của người dân. Còn muốn giải quyết rốt ráo, cần phải đặt vấn đề giải quyết căn cơ chính sách chứ không thể coi là vấn đề hành chính. Di cư tự do là vấn đề kinh tế trong các vấn đề xã hội, do đó, cần phải giải quyết ở cả nơi đi và nơi đến. Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, mức độ di cư tự do đã giảm dần.

Khởi động Dự án cải thiện thu nhập cho các nông hộ nhỏ tại vùng cao

Dự án Cải thiện thu nhập cho các nông hộ nhỏ tại vùng cao Tây bắc Việt Nam thông qua tăng cường tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường quả ôn đới và bán ôn đới ở khu vực (AGB/2012/60) nhằm đánh giá động thái thị trường và người tiêu dùng cũng như cơ hội tại địa phương, tỉnh, quốc gia và trong khu vực; giúp hoàn thiện các kế hoạch Chính phủ đề ra, điều phối hoạt động phát triển cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới tại các tỉnh khu vực Tây bắc; khắc phục các trở ngại hiện đang kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất quả ôn đới ở Tây bắc Việt Nam để áp dụng giống và kỹ thuật cải tiến. Phát triển các mô hình thị trường dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng nhằm gắn kết với các thị trường có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt hơn. Bên cạnh đó, Dự án áp dụng phương pháp tiếp cận mới liên ngành, thúc đẩy quá trình đối thoại và trao đổi thông tin nhằm cải thiện và phát triển ngành hàng trái cây ôn đới theo định hướng thị trường. Quá trình đối thoại này sẽ có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu về trồng trọt, nhân chủng học, thị trường, người tiêu dùng, nghiên cứu chuỗi giá trị với các cơ quan Chính phủ từ địa phương tới Trung ương, các doanh nghiệp và nông dân. Dự án sẽ được thực hiện 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai trong thời gian 4 năm, từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2018, tập trung vào các sản phẩm cây ăn quả ôn đới như: mận, đào, hồng, lê. Dự kiến Dự án sẽ triển khai chín chuỗi giá trị, mỗi chuỗi giá trị sẽ có khoảng 50 nông dân tham gia. Ông Hugh Borrowman – Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh: "Dự án hướng tới cải thiện thu nhập, tăng khả năng sinh kế cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số thông qua sự tham gia tích cực và bài bản của khối tư nhân. Để thực hiện được điều này, rất cần sự gắn kết, cùng nhau hợp tác giữa các bên liên quan cùng tham gia dự án".

Theo NLĐO, ĐCSVN, DTO