Phát triển nghề công tác xã hội: Góp phần giải bài toán về già hóa dân số và BHXH

17/09/2014 02:09 AM


Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm sóc đối tượng yếu thế, người cao tuổi; ban hành hệ thống luật pháp, chính sách về an sinh xã hội và đang tiếp tục hoàn thiện. Từ năm 1989 đến nay, có hơn 10 bộ luật, luật; 7 pháp lệnh và hơn 30 nghị định, quyết định của Chính phủ; hơn 40 thông tư, thông tư liên tịch và nhiều văn bản chỉ đạo khác trực tiếp hoặc có nội dung quy định khung pháp lí, chính sách là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội (TGXH)

 

 

Nhìn chung, các chính sách TGXH ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng… Các đối tượng được hưởng TGXH từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ công tác xã hội (CTXH) ngày càng tốt hơn…

Tuy nhiên, hiện nay nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề già hóa dân số. Theo thống kê, trước năm 1945, bình quân tuổi thọ ở Việt Nam là 32 tuổi; năm 1990 là 68 tuổi; năm 2002 là 71,3 tuổi và hiện nay là 73 tuổi. Kết quả điều tra dân số năm 1989 cho thấy, tổng số người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 7,15% dân số cả nước (tương đương 4,6 triệu người); năm 1999 tăng lên là 8,12% (khoảng 6,2 triệu người); năm 2012 là 10% (khoảng 8,5 triệu người). Dự báo năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 10,5 đến 11 triệu NCT. Trong 10 năm tới, vấn đề già hoá dân số sẽ trở thành thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về chăm sóc sức khoẻ, phụng dưỡng, đặc biệt là các dịch vụ TGXH. Đây cũng là thách thức lớn với sự an toàn của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và là bài toán khó đang cần giải đáp. Điều này đòi hỏi cần thiết phải đẩy mạnh, phát triển hệ thống cung cấp các dịch vụ CTXH, trợ giúp NCT trong thời gian tới và tương lai. Đồng thời, cần có định hướng tạo điều kiện, khuyến khích người lao động trong khu vực phi kết cấu và người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia vào hệ thống BHXH nhằm giảm bớt gánh nặng TGXH cho ngân sách nhà nước trong 15 – 20 năm tới.

Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dòng người di cư từ nông thôn về thành thị; đặc thù không ổn định, hay di chuyển, không đăng kí hộ khẩu khiến tăng áp lực giảm nghèo ở khu vực thành thị, thể hiện ở thu nhập thấp, khó tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở, an sinh xã hội, các chính sách TGXH. Điều đó càng đòi hỏi cấp thiết phải phát triển mạnh mẽ nghề CTXH.

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Đáp ứng tình hình, ngày 1/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/11/2012 về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định việc bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay.

Thực tế, hiện nay trên toàn quốc, chưa địa phương nào kiện toàn được mạng lưới cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT, các dịch vụ CTXH; các cơ sở Bảo trợ xã hội tại các địa phương gần như “tự cung tự cấp” theo yêu cầu tại cơ sở; hơn 95% cơ sở Bảo trợ xã hội thiếu nhân viên CTXH và chưa được đào tạo cơ bản về nghề CTXH. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nghề CTXH ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTXH tại cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu các dịch vụ CTXH về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NCT.

Mặc dù Bộ LĐ-TB&XH triển khai nhiều giải pháp, song vẫn cần tập trung xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống TGXH, thực hiện hiệu quả pháp luật về BHXH, mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm tư nhân, theo nguyên tắc đóng – hưởng; bảo đảm Quỹ BHXH tăng trưởng bền vững, ứng phó được các thách thức của già hoá dân số. Xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội trong tổng thể hệ thống an sinh xã hội đa tầng, linh hoạt, hỗ trợ nhau, có khả năng bảo vệ mọi thành viên trong xã hội, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, NCT cô đơn, không nơi nương tựa. Sửa đổi, bổ sung chế độ trợ cấp theo mức sống tối thiểu của xã hội trong từng thời kì.

Đa dạng hóa các loại hình TGXH và cứu trợ xã hội. Nâng cao nhận thức xã hội về chia sẻ trách nhiệm với việc trợ giúp, chăm sóc nhóm người yếu thế. Quy hoạch và đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ TGXH, CTXH theo từng địa bàn, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị đồng bộ đủ điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ TGXH; củng cố lại hơn 400 cơ sở Bảo trợ xã hội hiện có theo hướng cung cấp các dịch vụ CTXH.

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng mức trợ cấp xã hội chuẩn trong giai đoạn 2014 – 2020, tương đương với 40% mức sống tối thiểu; đối tượng được hưởng TGXH mở rộng bao gồm các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Phát triển TGXH gắn với phát triển nghề CTXH, song phải được triển khai đồng bộ, từ nơi đào tạo nghề CTXH; năng lực quản lí, hỗ trợ xã hội ở cấp huyện, xã và cơ sở, bao gồm đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTXH hiện nay về các ngành, nghề CTXH giúp người nghèo, nhóm người yếu thế, NCT. Tập trung huấn luyện các cán bộ CTXH hiện tại và tương lai; phát triển các Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH; triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển nghề CTXH nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp về CTXH.

Theo Báo Người cao tuổi