Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật BHXH (sửa đổi): Phải phù hợp điều kiện thực tế

11/09/2014 04:02 AM


Ngày 10/9/2014, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các Phó Chủ tịch: Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu.




Phù hợp mục tiêu an sinh

Trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết: Việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý lần này chủ yếu về các nội dung: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH; chế độ hưu trí và cân đối quỹ BHXH; giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH; quy định về chi phí quản lý BHXH và hoạt động đầu tư Quỹ BHXH; chế độ TNLĐ-BNN…

Về mở rộng đối tượng tham gia, để đảm bảo tính khả thi, theo Ủy ban TVQH, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức Công đoàn, BHXH Việt Nam và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng và có biện pháp cụ thể hỗ trợ DN và NLĐ khi thực hiện.

Ủy ban TVQH cũng cho rằng, việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã tham gia BHXH là cần thiết, bởi nhiều người đã có quá trình làm việc tương đối lâu dài. Việc dự thảo Luật quy định liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện sẽ tạo điều kiện để nhóm này có thể tham gia BHXH liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn tuổi lao động (trừ những người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng). Tán thành phương án cho đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện, nhưng Ủy ban TVQH yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung quy định căn cứ đóng là mức tiền lương cơ sở và Nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 10% mức đóng; đảm bảo phù hợp với khả năng của NSNN; đồng thời khuyến khích các địa phương và NLĐ tham gia ở mức cao hơn.

Về chế độ hưu trí và cân đối Quỹ BHXH, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng ngay quy định này trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang trong lộ trình thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ chưa khả thi, mà nên quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2018 để đảm bảo khả thi hơn. Việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, dù hướng tới mục tiêu bảo đảm cân đối đóng- hưởng, nhưng vẫn cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với NLĐ nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Vì vậy, việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH để đảm bảo tiền lương hưu thực nhận không sụt giảm nhiều so với trước. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này; đồng thời cần có lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu.

Ủy ban TVQH cũng cho rằng, việc giao thẩm quyền thanh tra cho cơ quan BHXH sẽ khắc phục những tồn tại hiện nay, đảm bảo để khi Luật được ban hành sẽ được thực hiện hiệu quả. Về chi phí quản lý BHXH, sẽ trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ; mức chi do Chính phủ quyết định. Riêng hoạt động đầu tư phải đảm bảo an toàn.

Về chế độ TNLĐ-BNN, do chính sách hiện hành mới chỉ mang tính khắc phục rủi ro nên cần phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật An toàn, vệ sinh lao động (sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).

Theo bà Trương Thị Mai, từ căn cứ thực tế và kiến nghị của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước và các hội nghị, hội thảo, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số nội dung, như: Quy định Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng chỉ tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển KT-XH trình HĐND cùng cấp quyết định; chỉnh lý các quy định về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho NLĐ sau khi ốm đau, thai sản và TNLĐ-BNN; đồng thời bỏ quy định tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người đang chấp hành hình phạt tù.

Các đại biểu đề nghị việc xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH cần được bổ sung trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi); đồng thời, có quy định về việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ khi DN nợ, chiếm dụng tiền BHXH và không còn tài sản để giải quyết quyền lợi cho NLĐ...

Dự thảo Luật giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn, BHXH đối với hành vi trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng BHXH của DN vì tranh chấp BHXH là tranh chấp dân sự và các tổ chức này đại diện, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tham gia BHXH.

Cũng theo dự thảo Luật, chậm nhất đến năm 2020, BHXH Việt Nam phải hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong toàn quốc, đồng thời cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho các nhóm đối tượng theo quy định của Bộ luật Lao động...

Phải phù hợp thực tế

Tuy đánh giá cao tính an sinh của dự thảo Luật, song một số đại biểu đề nghị phải xem xét đến tính khả thi, như phải có chế tài xử lý đối với chủ SDLĐ không giao kết HĐLĐ bằng văn bản. Một số đại biểu cũng đặt vấn đề: Trong bối cảnh NSNN còn gặp nhiều khó khăn, liệu có đủ khả năng hỗ trợ cho nhóm lao động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH?...

Riêng việc giao thẩm quyền thanh tra cho cơ quan BHXH, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn: Nếu được giao liệu có giải quyết dứt điểm được tình trạng vi phạm và cơ quan BHXH có dám hứa thực hiện được không? Về vấn đề này, đa số ý kiến đồng tình với dự thảo. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): “Không thể đáp ứng đòi hỏi “phải hứa”, bởi nó quá cao. Không ai hứa được, mà phải vừa làm vừa điều chỉnh và cần mạnh dạn đưa vấn đề này vào dự thảo Luật”. Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) cũng cho rằng, nếu không giao quyền này cho tổ chức BHXH thì tình trạng vi phạm Luật BHXH sẽ còn diễn ra nghiêm trọng...

Về chi bộ máy, theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), việc thực hiện thí điểm hệ số lương 1,8 cho ngành BHXH là phù hợp, bởi khi mới thực hiện Luật BHXH 2006, lương ngành BHXH bằng lương cơ quan hành chính đã xảy ra tình trạng nhiều cán bộ BHXH bỏ việc, không thu hút được nhân lực. Việc thí điểm lương này Ủy ban TVQH đã căn cứ thực tế để quyết định... Vì thế, không nên cứng nhắc, so sánh việc chi bộ máy của BHXH như với một số ngành khác.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cũng cơ bản thống nhất với dự thảo Luật; đồng thời đề nghị: “Để phát huy và đa dạng hóa đầu tư quỹ, cần có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, bộ máy. Về lâu dài, phải đào tạo đội ngũ cán bộ BHXH chuyên nghiệp hơn; tính toán sao cho hiệu quả; đồng thời cần trang bị, cải tiến quy trình thủ tục...”.

Nhấn mạnh đến hai vấn đề trong dự thảo Luật, đó là mục tiêu phải mở rộng đối tượng tham gia và nguyên tắc đóng- hưởng, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng: “Ngành BHXH phải có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng được. Nếu thực thi tốt luật này, thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có 24 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 20 triệu người tham gia bắt buộc; còn nếu hỗ trợ cán bộ bán chuyên trách xã tham gia thì sẽ có thêm 242.000 người nữa tham gia và chúng ta cũng hoàn toàn có khả năng tài chính để hỗ trợ cho một số nhóm tham gia”.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đã đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, ủng hộ để thông qua dự thảo Luật trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc “có đóng có hưởng” và an toàn quỹ. Theo Phó Chủ tịch, không lo vỡ quỹ, mà quan trọng là phải thu đủ; có chia sẻ có trước có sau một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế. Cái gì có lợi, bảo vệ được quyền lợi cho người dân thì làm, nhưng phải đảm bảo nâng cao vai trò quản lý nhà nước. Để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị SDLĐ, cần thống nhất giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH.

TheoChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quan điểm sửa đổi Luật BHXH là phải kiên định nguyên tắc đóng- hưởng (đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít). Về vấn đề thanh tra, Chủ tịch dẫn giải, BHXH là cơ quan nhà nước, có cả chức năng quản lý nhà nước lẫn sự nghiệp nên hoàn toàn có thể vận dụng quy định về nội dung thanh tra như dự thảo.

Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ bằng 10% (theo mức lương cơ sở) kinh phí đóng BHXH tự nguyện đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đối với một số nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức theo quy định tại Điểm 2 Khoản IV Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, mức hỗ trợ tối đa 35% kinh phí đóng (theo mức chuẩn nghèo). Với các mức hỗ trợ này, tổng số tiền NSNN hỗ trợ trong 5 năm khoảng 5.119 tỷ đồng, trong đó: Năm 2016 là 213 tỷ đồng, năm 2017 là 429 tỷ đồng, năm 2018 là 916 tỷ đồng, năm 2019 là 1.456 tỷ đồng và năm 2020 là 2.105 tỷ đồng.

Nguồn TC BHXH