Đối thoại chính sách về BHYT cho người khuyết tật

10/09/2014 03:55 AM


Ngày 8/9/2014, tại Hà Nội, Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Cơ quan viện trợ Ireland (Irish Aid) tổ chức đối thoại về BHYT cho người khuyết tật.



Hiện ước tính cả nước có khoảng 5,1 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6% dân số, dự báo trong nhiều năm tới số lượng người khuyết tật ở Việt Nam sẽ không giảm.

Việc ra đời của Luật BHYT đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho cộng đồng. Luật có quy định và hướng dẫn về việc cấp thẻ BHYT và sử dụng các dịch vụ chi trả được bằng BHYT cho người dân. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ người khuyết tật sử dụng thẻ BHYT tự nguyện đi khám bệnh tại các cơ sở y tế không cao, khoảng 70%; hoặc đối tượng không thực hài lòng với chất lượng KCB BHYT.

Việc triển khai chính sách này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Một số rào cản trong sử dụng thẻ BHYT đối với người khuyết tật là phải khám theo đúng tuyến mà trạm y tế xã chưa có đủ trang thiết bị và nhân lực đảm bảo chất lượng cho công việc này; thủ tục sử dụng dịch vụ còn phức tạp; thời gian chờ đợi lâu, mất thời gian. Việc nhân viên y tế không nhiệt tình cũng là một trong những nguyên nhân khiến người khuyết tật không sử dụng BHYT.

Luật BHYT sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Với 25/52 Điều được sửa đổi, bổ sung, Luật có một số điểm mới mang tính đột phá mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHYT hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Để thực hiện tốt Luật BHYT sửa đổi, cũng như khuyến khích người khuyết tật tham gia BHYT, các đại biểu cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm tính đồng bộ trong việc ban hành giữa các văn bản pháp quy; truyền thông vận động người khuyết tật tham gia BHYT; tăng cường nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và trách nhiệm của mỗi người dân tham gia BHYT.

Các cơ sở y tế công cần chú trọng đến các nguyên tắc ứng xử của cán bộ y tế đối với bệnh nhân BHYT; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, người khuyết tật và gia đình của họ cần tích cực tìm hiểu các thông tin về BHYT; quan tâm hơn đến nhu cầu phục hồi chức năng của người khuyết tật; thực hiện nghĩa vụ của người tham gia BHYT, không gây khó khăn cho cán bộ y tế trong quá trình sử dụng thẻ BHYT./.

Theo: vietnamplus.vn