Mở cửa thị trường lao động Asean 2015: Thách thức gì, thách thức ai?

10/09/2014 03:51 AM


Khi Cộng đồng kinh tế Asean thành lập vào năm 2015, chắc chắn thị trường lao động của Việt Nam sẽ được mở rộng hơn. Tuy nhiên những khiếm khuyết của lao động nước ta cũng lộ rõ hơn khi thiếu kỹ năng cũng như kinh nghiệm, khả năng hợp tác hiệu quả.




Lao động tay nghề cao vẫn rất thiếu

Đó là những thách thức dễ thấy nhất. Điều này thách thức đồng thời cả quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng lao động và lớn hơn cả, là thách thức đội ngũ lao động.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015. Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối chung, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Điều đó sẽ là một thử thách khó khăn vì khi lao động các nước AEC được tự do di chuyển, làm việc, định cư và được đối xử bình đẳng tại các nước thành viên, sức ép cạnh tranh đối với lao động của nước sở tại sẽ là rất lớn.

Chúng ta không chỉ cần thành thạo tay nghề, kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có vốn tiếng Anh giao tiếp, đặc biệt là tiếng Anh kinh doanh tốt nếu muốn có công việc tại các nước thành viên AEC.

Tuy nhiên khi AEC thành lập, theo chuyên gia kinh tế lao động thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình dương, ông Phú Huỳnh, các nước Asean mới chỉ cho phép lao động thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch) được quyền di chuyển tìm việc làm. Ước tính ban đầu, nhóm này chỉ thu hút 1% tổng số lực lượng lao động. Người nước ngoài muốn tới VN cũng phải biết tiếng Việt, và lao động nước ta buộc phải nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh mới có thể ra khu vực tìm việc.

Bởi vậy khả năng "khốn khổ trên sân nhà” có thể chưa xảy ra ngay, nhưng nếu người lao động không ý thức điều này, nâng cao năng suất và kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ và việc làm thuộc ngành nông nghiệp, ngành dệt may, sẽ khó mơ việc cạnh tranh với các nước khu vực.

"Chính phủ Việt Nam cần căng cường phát triển hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghề ở cấp trung học. Qua đó giúp nguồn nhân lực có thể tận dụng được những lợi ích của AEC đem lại”, ông Phú Huỳnh khuyến cáo.

Song căn bệnh trầm kha kéo dài của nhiều trường phổ thông là chuyển hầu hết lên ĐH, hệ thống dạy nghề èo uột dù được hai Bộ quản lý, là GD&ĐT và LĐ,TB&XH. Các ĐH hiện chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho sinh viên. Sinh viên thiếu ý thức, kỹ năng tự trang bị kiến thức, vốn nghề nghiệp vững vàng, cùng với bản lĩnh và sự tự tin, để có thể tự tin hội nhập.

Về quản lý nhà nước, đến nay Bộ LĐTB&XH vẫn được Chính phủ phân công quản lý nhà nước về dạy nghề, còn trung cấp chuyên nghiệp, cũng là dạy nghề nhưng gọi là "giáo dục nghề nghiệp”, lại do Bộ GD&ĐT quản lý nhà nước. Chính vì quá phân tán quản lý, nên tất yếu phân tán nguồn lực. Dạy nghề được đầu tư từ ngân sách nhà nước với các chương trình mục tiêu để đầu tư phát triển, hình thành nên sự bất bình đẳng xuất hiện ngay trong lòng hệ thống GD&ĐT trong việc hưởng lợi từ đồng tiền thuế của dân.

Bởi nhiều trường THCN, cao đẳng do Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước có quy mô HSSV đông gấp nhiều lần so với quy mô các trường dạy nghề, nhưng đầu tư có hạn.

"Rắc rối” hơn cả là đến nay, việc xây dựng Khung trình độ quốc gia do hai Bộ nói trên phối hợp tổ chức, là cơ sở quan trọng để hội nhập ASEAN, thúc đẩy hợp tác giáo dục và việc làm giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau, để văn bằng trở nên dễ hiểu với người sử dụng lao động và người tốt nghiệp một trình độ, vẫn chưa xong sau nhiều hội thảo có sự tham vấn của nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, đây là cơ hội, lợi thế quan trọng để nỗ lực phát huy nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế. Với những thách thức toàn phần nêu trên, chìa khóa đã có, nếu không mở được cánh cửa lợi thế, sẽ rất khó có thể đổ lỗi khách quan.

Theo Báo Đại đoàn kết