Tự giác cải cách lối làm việc

10/09/2014 03:27 AM


Sau lần đầu tiên công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR index- CCHC) hồi năm ngoái, cuối tuần qua, Bộ Nội vụ đã lần thứ hai công bố chỉ số CCHC của các bộ ngành, địa phương. Từ lần công bố thứ hai này mới thấy cũng còn một loạt các vấn đề đặt ra.

Các bộ ngành liên quan nhiều đến người dân hay các tỉnh nghèo đang "đội sổ” về chuyện rườm rà thủ tục. Thậm chí, ở đầu bảng xếp hạng từ dưới lên có tên Bộ Y tế; còn trong tốp tụt dốc người ta thấy bóng dáng của "bạn nhà nông” và cả cơ quan thuộc khối tư pháp.

Tốc độ cải cách còn chậm, nhiều vướng mắc của người dân, doanh nghiệp chưa xử lý đến nơi đến chốn. Ảnh: Hoàng Long

Ngay trong Lễ công bố, người ta cũng băn khoăn với câu hỏi: Liệu có hay không chuyện "nhờ vả” để có vị trí xếp hạng đẹp. Riêng về băn khoăn này, lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định là: Không! Như thế cũng có nghĩa, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào cách đánh giá chỉ số CCHC lần này.

Từ lần công bố trước cho đến lần công bố năm nay, rõ ràng, người ta đã nhìn thấy sự soán ngôi khá ngoạn mục của nhiều bộ ngành mà dẫn đầu là Bộ GTVT, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính… còn, những bộ, ngành liên quan nhiều đến an sinh của người dân thì vẫn còn đì đẹt tận đẩu đâu. Điều này xem ra vừa dễ vừa khó lý giải. Dễ là ở chỗ, các ngành phải tiếp xúc nhiều với dân, đương nhiên sẽ bị "soi” nhiều hơn, bị đánh giá nhiều hơn. Khó (ở đây là nói đến chuyện khó hiểu) là ở chỗ, lạ cái, phải tiếp xúc với dân nhiều thì phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân và phải chóng cải tiến để phục vụ dân được tốt hơn. Thế nhưng, ngược lại với sự kỳ vọng, những ngành này dường như chưa thực sự tìm được lối ra cho cách làm hài lòng các "thượng đế”.

Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thì các chỉ số này đã được đánh giá một cách toàn diện, khách quan với nhiều nội dung khác nhau như:  Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy nhà nước, xây dựng hành chính... Và rằng, đã "có những chuyển biến tích cực từ cách nhận thức, cách làm, tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn và được các bộ, cơ quan ngang bộ đặc biệt hoan nghênh”. Nói như thế, có vẻ như người đứng đầu ngành nội vụ vẫn chưa nói hết được những khúc mắc hay những điểm còn mờ ảo của các ngành, địa phương ở tốp dưới. Bởi nếu thật sự có chuyển biến tích cực trong cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước, thì người dân mong ước nhất là các ngành liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân phải có sự chuyển biến đầu tiên và rõ nét. Tiếc rằng, ở lần công bố chỉ số CCHC lần hai điều mà người dân chờ đợi đã không đến!

Thẳng thắn và trực diện, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người đã từng đề nghị các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền phải hướng mạnh đến nền công vụ "bốn xin” hồi đầu năm đã nhận định: Dù đạt được một số kết quả bước đầu nhưng thực tế là, tốc độ cải cách còn chậm, nhiều vướng mắc của người dân, doanh nghiệp chưa xử lý đến nơi đến chốn, thời gian còn kéo dài như thủ tục của các ngành thuế, hải quan, đất đai, xây dựng… Và, cũng vẫn Phó Thủ tướng đã nêu yêu cầu: Phải tìm nguyên nhân, đặc biệt là phải đưa ra biện pháp để cải thiện nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân. Phó Thủ tướng nhắc là nhắc chung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các ngành, địa phương đang ở vị trí ‘dẫn đầu từ dưới lên”.

Thực tế, CCHC là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển đất nước cả trong xây dựng, trong đầu tư; cả trong phát triển nguồn nhân lực và vật lực. Nói một cách hình ảnh như phát biểu của Phó Thủ tướng tại Lễ công bố, đó là, "bánh xe” Chương trình tổng thể CCHC đang bị kéo lùi bởi thủ tục hành chính còn rườm rà, hành chính công phục vụ còn kém, chất lượng cán bộ còn nhiều vấn đề. Đó có lẽ cũng là sự nhìn thẳng của Chính phủ trong Chương trình CCHC hiện nay và nó cũng cho thấy một thực tế: Chính phủ muốn thúc đẩy CCHC thật sự nhưng vẫn còn có bộ, ngành tỏ thái độ "bình chân như vại”.  Chính sự bình thản đến sốt ruột ấy đã khiến công cuộc CCHC dù đã cải tiến nhiều nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Mà ở đây, dù là thủ tục rườm rà, dù là các phục vụ còn kém thì cũng đều bắt nguồn từ yếu tố con người với sự lãng quên về một nền công vụ "bốn xin”. Nguyên nhân của tình trạng này thực sự do đâu, nếu không phải là thiếu hẳn đi sự kiểm tra, giám sát sát sao những người thực thi công vụ.

Mới đây, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị để Mặt trận các cấp thay mặt nhân dân kiểm tra, giám sát các công bộc của dân. Và, Mặt trận đang bàn bạc với các cơ quan liên quan của Chính phủ để thực thi quyền giám sát này thay cho dân. Nhưng, trên hết, chính các công bộc phải là người biết tự giám sát mình, biết tự đôn đốc bản thân làm sao để làm tốt hơn nữa và tiến tới là làm tốt nhất vai trò công bộc trước dân. Rồi tiếp đến là sự giám sát lẫn nhau trong đội ngũ công bộc. Bởi, kiểm tra giám sát cũng chỉ có thời điểm, có giai đoạn… còn phục vụ dân thì kéo dài suốt đời công chức. Vì thế, nếu công chức không tự giác thì việc giám sát họ sẽ rất khó. Và, cũng vì thế, để kết quả CCHC thực sự đem lại hiệu quả cao, thực sự phục vụ nhân dân, hơn ai hết chính là các công chức; đặc biệt là công chức đứng đầu cần tự giác thì mới đem lại những đột phá cho công cuộc CCHC ở nước ta.

Theo daidoanket.vn