Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong một năm qua: Những tín hiệu lạc quan?

10/09/2014 03:25 AM


"Triển vọng thị trường lao động do kinh tế tiếp tục phục hồi sẽ có tác động tích cực đến thị trường lao động. Dự kiến, nhu cầu lao động tiếp tục tăng mạnh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí đốt; thông tin và truyền thông; hoạt động y tế và trợ giúp xã hội”- TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định. 




Thách thức với người lao động chính là kĩ năng nghề

Tỷ lệ thất nghiệp giảm

Dẫn chứng, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, đến tháng 7-2014, cả nước có hơn 871.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp (số liệu làm tròn), trong đó: 479.000 người ở thành thị, 521.000 người không có chuyên môn kỹ thuật, 147.000 người có trình độ đại học trở lên. Như vậy, tổng số người thất nghiệp giảm gần 174.000 người so với quý 1-2014 và giảm 155.000 người so với quý 2-2013.

"Mặc dù việc làm tăng chậm song vẫn cao hơn mức tăng của lực lượng lao động nên tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm.  Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 1,84% thấp nhất trong vòng 1 năm qua; tình trạng thiếu việc làm, kết nối cung-cầu đã được cải thiện”- bà Hương nhận định.

Kết quả Bản tin thị trường lao động số 3/2014 do Bộ LĐTBXH công bố mới đây cũng cho thấy, trong quý 2, cả nước có 164.800 người đăng ký thất nghiệp, tăng 78.100 người. Tuy nhiên do tình hình kết nối cung cầu được cải thiện, đã có 135.500 người đăng ký thất nhiệp đã được tư vấn giới thiệu việc làm, cả nước có hơn 460.000 lao động được giới thiệu việc làm nên tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục giảm.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề tại sao tỷ lệ thất nghiệp giảm, trong khi đó tỷ lệ đăng ký thất nghiệp tăng,  ông Tào Bằng Huy- Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, Quý 1 thường trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán, bởi vậy số lượng người xin nghỉ việc ít. Quý 2, số đăng ký BHTN tăng lên một chút do một số doanh nghiệp tại Bình Dương dừng hoạt động. Đồng thời, một số lao động của Tập đoàn Vinashin ở Hải Phòng được quay lại đăng ký BHTN.

Một trong những điểm đáng chú ý là lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp giảm 15.400 người so với quý 1/2014 (162.000 người). Mặc dù hiện chưa thể nói chính xác nguyên nhân, song theo đại diện Bộ LĐTBXH thì lí do khiến tỷ lệ cử nhân thất nghiệp giảm là vì họ chấp nhận làm công việc không đúng trình độ. Ngoài ra, đó cũng có thể coi là tín hiệu tích cực do kinh tế phục hồi.

Thách thức phía trước

Mặc dù đạt được những tín hiệu khả quan, song theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế vẫn !à thách thức. Mặt khác, thị trường lao động vẫn thể hiện việc cung-cầu lao động kỹ thuật chưa cân đối. Hiện nay, có 22 triệu người không có chứng chỉ bằng cấp đang làm những ngành nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, có 750.000 người trình độ đại học trở lên đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn.

Có không ít ý kiến nghi ngờ về tỷ lệ thất ngiệp giảm ở  lao động có trình độ, bởi trên thực tế "bức tranh” việc làm vẫn còn khá ảm đạm. Liên quan tới băn khoăn này, bà Hương cũng phải thừa nhận: "Để có câu trả lời chính xác về sự thay đổi cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn”.

Lao động có trình độ thất nghiệp dường như không còn là điều gây sốc,  mà theo nhiều chuyên gia đây là tất yếu của hệ quả việc đào tạo chỉ chạy theo số lượng trong nhiều năm qua. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt Nam. Thậm chí, năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan- hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đã bày tỏ sự lo ngại tỷ lệ thất nghiệp khi hội nhập có thể tăng lên. Cũng theo ông Đại, nếu không có những thay đổi, đột phá thì  sự cạnh tranh về việc làm sẽ rất khốc liệt khi Việt Nam  gia nhập cộng đồng kinh tế Asean (AEC). "Nếu người lao động không nâng cao kỹ năng có thể mất việc ngay tại "sân nhà”. Đây là thách thức rất lớn với công tác dạy nghề hiện nay”, ông Đại nói.

Theo daidoanket.vn