Nghèo không được...ốm

06/09/2014 02:54 AM


Dù là người giàu hay nghèo, quan hay dân, chủ hay tớ đều phải trải qua những lúc ốm đau, bệnh tật, dù nặng hay nhẹ.

Vậy nhưng, với kiểu lạm thu hàng trăm loại phí như hiện nay tại các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, nhiều người nghèo bị ốm chỉ còn cách... tự khỏi chứ không thể đến bệnh viện chữa trị. Đó là chưa kể đến những loại phí dịch vụ "xã hội hóa” lên tới vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng thì ngay cả người giàu cũng khóc, nói gì đến người không có tiền. Vì thế mà người ta mới nói vui: Nghèo thì không được phép ốm!

Dù có tham gia BHYT thì người bệnh vẫn bị ép trả thêm một mớ tiền. Ảnh: Hoàng Long

Nghèo không được ốm chỉ là câu nói vui của dân gian, song nghe mà thấy như xát muối trong lòng. Bởi, trên thực tế hiện nay, đúng là có khá nhiều gia đình khi người thân lâm bệnh trọng chỉ còn biết phó mặc cho số phận an bài, không thể có tiền để chi trả cho các loại phí dịch vụ tại bệnh viện. Sau khi liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC năm 2012, các địa phương được dịp đồng loạt tăng giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn loại dịch vụ y tế khiến người bệnh, nhất là người nghèo khốn đốn. Mới đây, dư luận xã hội không khỏi sốc khi TP.HCM và Hà Nội lại đồng loạt tăng giá hàng nghìn loại phí dịch vụ y tế. Cụ thể, Hà Nội đã điều chỉnh 1.349 dịch vụ y tế tăng 20%, 135 dịch vụ kỹ thuật y tế chưa có giá cũng được bổ sung...

Vẫn biết Nhà nước cũng đã có những hỗ trợ cho bệnh nhân trong việc chi trả theo BHYT. Nếu tham gia BHYT, người bệnh sẽ đỡ được một khoản tiền nhất định. Song, điều đáng nói là dù có tham gia BHYT thì người bệnh vẫn bị ép trả thêm một mớ tiền bởi chiêu trò của các bệnh viện. Nhiều bệnh viện treo công khai một bảng giá dịch vụ y tế thực hiện trên máy xã hội hóa cao hơn giá BHYT thanh toán rất nhiều. Một số dịch vụ không chỉ người nghèo mà người "có tiền” đọc cũng phải "lạnh lưng”: Chụp mạch vành bằng máy CT 64 với giá dịch vụ gần 3 triệu đồng, trong khi BHYT chi trả chưa đến 1 triệu đồng; nội soi phế quản hô hấp giá gần 1 triệu đồng, BHYT trả chưa tới 100.000 đồng. Choáng nhất là chụp PET/CT có giá dịch vụ xấp xỉ 30 triệu đồng, trong khi BHYT trả gần 20 triệu đồng...

Theo cách giải thích của các cơ quan chức năng khi điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế là để tái đầu tư cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, nào là khuyến khích người dân tham gia BHYT. Chưa nói đến đoạn gần như là hình thức ép người dân mua BHYT trong khi chất lượng các dịch vụ y tế khá tồi, chỉ bàn đến việc ngay cả khi người dân đã "tự nguyện” mua BHYT rồi thì vấn đề viện phí đối với người nghèo cũng đâu có giải quyết được. Chỉ cần nhìn những ví dụ về giá phí dịch vụ nêu trên cũng thấy ngay rằng người nghèo chỉ có cách tự khỏi bệnh chứ làm sao có thể kham được số tiền vài chục triệu cho một lần chụp, chiếu. Nếu vô phúc bị TNGT vào đầu, bác sĩ khuyến cáo phải chụp cắt lớp CT mới có thể mổ chính xác, trong khi giá dịch vụ này tới vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng thì người nghèo kiếm đâu ra tiền? Mổ thoát vị đĩa đệm có giá đến hàng trăm triệu đồng thì người nghèo chỉ còn biết "sống chung với bệnh” chứ biết phải làm sao? Không lẽ đi vay mượn, cầm cố? Đã nghèo thì lấy đâu ra nhà mà cầm cố, đã nghèo thì ai dám cho vay số tiền lớn đó bởi người ta phải trông giỏ bỏ thóc chứ...

Đó là mới bàn sơ sơ đến khoản thu hợp pháp, còn hàng trăm loại dịch vụ phát sinh kèm theo khi ai đó không may phải nhập viện. Vào các ngày thứ bẩy, Chủ nhật nếu bệnh nhân thực hiện các loại dịch vụ y tế từ khám bệnh cho đến chụp chiếu... há không phải trả tiền 100% mà không được thanh toán BHYT hay sao?! Còn nữa, không ít bệnh viện "tận thu” của người bệnh cả tiền... toilet. Có những loại phí mà thoạt nghe đã thấy sự nhẫn tâm của các cơ sở y tế. Không chỉ thu phí trông xe, phí đi lại cầu thang, phí đi thang máy, các bệnh viện công còn tận thu cả tiền khám ở phòng có điều hòa, thậm chí là tiền đi... vệ sinh, khiến gánh nặng chi phí của bệnh nhân và người nhà càng chất chồng.

Điều đáng nói là "căn bệnh” tận thu lại lây lan rất nhanh và tồn tại ở nhiều bệnh viện trên toàn quốc, từ bệnh viện Trung ương đến bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện. Rất nhiều bệnh nhân và người nhà bức xúc vì những khoản thu vô lý trên từ các bệnh viện: Ngồi khám trong phòng có điều hòa nộp thêm 30.000 đồng, vào nằm chờ bác sĩ hỏi thăm nộp 120.000 đồng, đi toilet 2.000-3.000 đồng... Chia sẻ trên mạng xã hội facebook, thành viên Tomna bức xúc: "Lạy các bệnh viện! Mỗi bệnh nhân mất 30.000 đồng chỉ để ngồi điều hòa trong vòng 5 phút?”. Còn thành viên Lemac chia sẻ: "Cách đây hơn 1 năm, mình cũng mất 120.000 đồng tiền giường khi vào khám bệnh chỉ để nằm cho bác sĩ hỏi xem có bệnh gì không. Mười phút mất 120.000 đồng. Bất cứ ai vào phòng khám này đều phải đóng số tiền trên”.

Không phải chỉ người nghèo không thể vào viện vì không có tiền, ngay cả người khá giả cũng ngại vào viện bởi sự hách dịch, cửa quyền, tận thu phí của các bệnh viện. Với những người giàu, mặc dù nhiều khoản thu không đáng kể nhưng nó khiến họ không thoải mái, khó chịu và bức xúc. Điều đáng buồn là cái sự "người nghèo không được ốm” là chuyện hết sức bất thường, nhưng lại được xã hội "bình thường hóa” khiến nó trở thành câu nói vui không ai để ý. Vậy thì đến bao giờ người nghèo được phép ốm, hay họ mãi chỉ có thể trông chờ vào sự an bài của số phận?

Nguồn daidoanket.vn