Nguồn nhân lực KH&CN trong lĩnh vực y tế của Việt Nam vào khoảng 6.500 người

25/08/2014 09:38 AM


Những năm qua, ngành y tế đã luôn quan tâm đầu tư, phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng thành tựu về khoa học và công nghệ hiện đại, từng bước đưa nền y học nước ta đạt trình độ cao trong khu vực và thế giới. Trong nhiều lĩnh vực, y học Việt Nam khẳng định được vị thế của mình như ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa...

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 1.513 tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế với nguồn nhân lực khoảng 6.500 người (trong đó có 452 Giáo sư, Phó giáo sư và 678 Tiến sĩ). Trong giai đoạn 2010- 2014, có 144 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ được thực hiện với kinh phí trên 134 tỷ đồng. Các đề tài, dự án tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu y học dự phòng, vắc-xin, sinh phẩm; y học lâm sàng; nghiên cứu dược-dược liệu; chế tạo, sản xuất trang thiết bị y tế… Qua những đề tài được triển khai trên đã giúp ngành y tế trong nước đạt nhiều kết quả nổi bật. Về nghiên cứu y học dự phòng đã giúp phát hiện sớm và khống chế dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm nhờ ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử; đạt nhiều thành quả trong nghiên cứu sản xuất vắc-xin, đưa Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất vắc-xin. Nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh giúp đội ngũ y, bác sỹ làm chủ các kỹ thuật chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và có hiệu quả và có nhiều bước tiến trong kỹ thuật ngoại khoa, ghép tạng… Đối với lĩnh vực nghiên cứu dược liệu cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng nghiên cứu tập trung về các lĩnh vực như sản xuất vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng quốc gia, chú trọng nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất dược liệu...

Những năm qua, ngành y tế đã luôn quan tâm đầu tư, phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng thành tựu về khoa học và công nghệ hiện đại, từng bước đưa nền y học nước ta đạt trình độ cao trong khu vực và thế giới. Trong nhiều lĩnh vực, y học Việt Nam khẳng định được vị thế của mình như: ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa... Việc định hướng, phát triển và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh được ngành y tế xác định theo hướng: công bằng, hiệu quả, phát triển; kết hợp phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập với phát triển kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Ghép tạng là thành tựu nổi bật của y học thế kỷ 20, nó là kết quả tổng hợp của các chuyên ngành nội, ngoại, gây mê hồi sức, xét nghiệm, miễn dịch, dược... Ghép tạng là đích đến cuối cùng để mang lại cơ hội sống cho những người suy tạng giai đoạn cuối, cần phải thay tạng bị bệnh bằng một tạng, hoặc một phần tạng khỏe mạnh để duy trì sự sống. Kỹ thuật ghép tạng ngày nay đã đạt trình độ rất cao cả về kỹ thuật cũng như theo dõi tạng ghép sau mổ. Và thành công nổi bật của các thầy thuốc Việt Nam những năm gần đây cũng là về kỹ thuật ghép mô tạng, từ ghép tim, gan đến ghép tế bào gốc tạo máu, ghép giác mạc. Tính từ ca ghép tạng (ghép thận) đầu tiên thực hiện năm 1992 đến nay đã thực hiện được 620 ca ghép thận, 24 ca ghép gan, bảy ca ghép tim và phần lớn số người được ghép tạng đều có cuộc sống bình thường. Ðáng chú ý, đến nay cả nước có 12 bệnh viện có khả năng thực hiện kỹ thuật ghép thận; năm bệnh viện có khả năng thực hiện kỹ thuật ghép gan và ba bệnh viện có khả năng ghép tim. Hiện tại, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã hoàn thành các quy trình chẩn đoán chết não, hồi sức người bệnh chết não; quy trình lấy đa tạng từ người bệnh chết não; quy trình gây mê, phẫu thuật ghép gan, tim, thận từ người cho sống và chết não, điều trị chống thải ghép.

Trong lĩnh vực huyết học cũng có những thành công đáng kể. Tháng 7/1995, ca ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên cho người bị bệnh máu được thực hiện thành công, đến nay riêng Viện Huyết học TP Hồ Chí Minh đã ghép hơn 100 ca. Ngoài ra, đến nay các thầy thuốc chuyên ngành này đều thực hiện được các phác đồ chẩn đoán và điều trị tốt, hiện đại, cập nhật với trình độ quốc tế của hầu hết các nhóm bệnh lý chuyên khoa huyết học, như: Ðau tủy xương, Ulympho ác tính, Suy tủy xương, Lơ-xê-mi, Hội chứng rối loạn sinh tủy, Hemophilia... Cũng như áp dụng được nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhất của thế giới, như: điều trị nhắm đích, điều trị đông máu rải rác trong lòng mạch, ghép tế bào gốc đồng loại, diệt tủy tối thiểu bằng tế bào gốc lấy từ máu ngoại vi... Với kết quả đó, nhiều người bệnh đã và đang điều trị ở nước ngoài quay về trong nước điều trị ở viện. Một số người bệnh là người nước ngoài cũng sang Việt Nam để điều trị bệnh máu. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) được ứng dụng và phát triển ở nước ta hơn 15 năm qua với hơn 10 nghìn trẻ ra đời từ phương pháp này. Hiện nay, Việt Nam là nơi thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Ðông - Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị trên thế giới. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này ở một số trung tâm lớn của Việt Nam đạt tới gần 50%, là con số mơ ước của không ít trung tâm làm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới. Chính vì vậy, rất nhiều người sống ở nước ngoài biết đến kỹ thuật TTTON ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực Nhi khoa, các thầy thuốc Việt Nam cũng gây được tiếng vang lớn, nhất là trong nội soi nhi khoa, khi mà GS Nguyễn Thanh Liêm (Bệnh viện Nhi T.Ư) nghiên cứu đề xuất bảy kỹ thuật mổ hoàn toàn mới mà trên thế giới chưa ai thực hiện. Với cụm công trình phẫu thuật nội soi này, GS Liêm đã được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá rất cao. Kỹ thuật phẫu thuật teo trực tràng nội soi qua đường hậu môn được cho là một trong các kỹ thuật khó, nhiều trung tâm phẫu thuật lớn trên thế giới ít dám thực hiện, nhưng tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã đưa phẫu thuật này vào danh mục mổ thường quy. Ngoài ra, hàng loạt các bệnh viện trong nước đều thực hiện được các kỹ thuật cao. Như Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã áp dụng thành công kỹ thuật nong mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống. Bằng phương pháp can thiệp trong lòng mạch, các tổn thương mạch máu nằm rất sâu trong não hay những tổn thương phức tạp nằm gần vùng thần kinh quan trọng không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Bệnh viện Mắt T.Ư là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công ghép giác mạc lớp trước và lớp sau và ghép nội mô giác mạc. Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, kỹ thuật vi phẫu đã được áp dụng giúp chuyển ghép xương mác, chuyển ngón chân lên bàn tay thay thế ngón tay cái, chuyển khớp ngón chân lên ngón tay và thay thế khớp khuỷu... Việc các bác sĩ Việt Nam ứng dụng và triển khai thành công những kỹ thuật cao đã từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân trong nước; góp phần hạn chế số người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh và bước đầu thu hút người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh.

Theo ĐCSVN, DTO