Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

13/08/2014 07:55 AM


Ngày 13/08/2014, tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Lao động dưới 03 tháng tham gia BHXH bắt buộc

Tại phiên hop, các đại biểu cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi) như mở rộng đối tượng, chế độ hưu trí và cân đối Quỹ BHXH; chức năng thanh tra... Trong đó, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung đối tượng lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc. Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH bảo đảm An sinh xã hội. Đây là nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp động lao động dưới 03 tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ BHXH.

Đồng tình với phương án này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: để mở rộng đối tượng cần thiết bắt buộc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động ký hợp động từ 01 đến 03 tháng. Khi mở rộng nhóm đối tượng này sẽ hạn chế tình trạng người sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc dưới 03 tháng để “lách luật”. Nhưng để đảm bảo tính khả thi, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định.

Trong quy định bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH, tại phiên họp, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên quy người lao động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH tự nguyện nhưng Nhà nước có hỗ trợ và cần có lộ trình phù hợp, đồng thời có sự ràng buộc nâng cao hiểu quả hoạt động của những người này. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhận định vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lập luận: việc cán bộ chuyên trách ở xã phường tham gia BHXH bắt buộc hiện chưa làm rõ được bài toán cân đối ngân sách. Vì vậy nên để đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện. Chính phủ sẽ căn cứ vào ngân sách và tình hình kinh tế để xác định mức hỗ trợ cho phù hợp.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền phản ánh, qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến mong muốn được đóng BHXH. Nói là bán chuyên trách nhưng họ làm việc cả ngày, mức phụ cấp lại tùy điều kiện kinh tế địa phương, những nơi vùng sâu, vùng xa không có phụ cấp. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ để nhóm đối tượng này được tham gia BHXH bắt buộc.

Khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện

Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến của đại biểu về chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, Dự án Luật BHXH (bổ sung) quy định về mức đóng BHXH tự nguyện do người lao động lựa chọn, mức đóng thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo và mức đóng cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ sở. Thường trực Ủy ban tán thành với việc nhà nước hỗ trợ mức thấp cho tất cả người lao động tham gia nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện; để đảm bảo tính khả thi thì mức hỗ trợ nên tính trên cơ sở mức đóng thấp nhất, tương ứng với chuẩn nghèo và xem xét mức hỗ trợ giảm dần theo thời gian.

Về quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (Điều 91) là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp động lao động theo pháp luật lao động. Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, mức tiền lương tháng đóng BHXH hiện nay mới chiếm khoảng 60 - 70% thu nhập thực tế. Vì vậy, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho Quỹ BHXH. Dự kiến năm 2018 lương tối thiểu sẽ thực hiện đầy đủ theo quy định củ Bộ luật Lao động, nên việc quy định lộ trình thực hiện từ ngày 01/01/2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.

Cần thiết giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH

Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thường trực Ủy ban thấy rằng, cơ quan BHXH chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến An sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng và đầu tư sinh lời đối với Quỹ BHXH, thực hiện cung cấp dịch vụ công, nếu bổ sung chức năng thanh tra đối với việc đóng BHXH sẽ khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH. Thường trực Ủy ban tán thành với quy định giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH (Điều 13) và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH (Điều 122).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Phan Trung Lý phân tích: BHXH là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Quỹ BHXH. Luật Thanh tra quy định thanh tra chuyên ngành, trong đó cũng có điều quy định cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về chuyên ngành được thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Hiến pháp cũng quy định các tổ chức xã hội như công đoàn cũng có chức năng thanh tra. Vậy thì tại sao cơ quan thực hiện nhiệm vụ quan trọng như BHXH lại không được thanh tra.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự án Luật BHXH (sửa đổi) cần thống nhất giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH, chứ không phải ủy quyền bởi pháp luật quy định không ai được phép ủy quyền. Do đó, đề nghị gọi tên BHXH Việt Nam là đơn vị hành chính nhà nước, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý tài chính về BHXH, BHYT.

Đồng tình việc giao thẩm quyền thanh tra cho cơ quan BHXH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra thực trạng lực lượng thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ có 500 người, của Bộ Y tế 300 người mà phải thực hiện thanh tra tất cả các lĩnh vực. Trong khi đó BHXH Việt Nam có hơn 5.000 cán bộ làm công tác thanh tra, mà chỉ đi kiểm tra chứ không được phép xử phạt. Do đó, Luật phải giao thực hiện thanh tra và xử phạt cho BHXH Việt Nam.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có hợp đồng từ 01 đến 03 tháng, cán bộ xã hoạt động không chuyên trách sẽ chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện và có sự hỗ trợ của nhà nước; khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Về lương đóng BHXH theo Điều 90 Bộ luật Lao động sẽ thực hiện từ năm 2018. Thường vụ Quốc hội đồng ý giao chức năng thanh tra cho BHXH về thu nộp BHXH, chứ không quy định giao các chức năng thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước./.
Nguồn TC BHXH