Tăng cường vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

13/08/2014 07:15 AM


Các địa phương trên cả nước đang tăng cường công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

 

Để chủ động phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường thanh tra các cơ sở sản xuất giày da có sử dụng dung môi hữu cơ; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành. Tại tỉnh Hưng Yên, Sở Y tế cũng tiến hành lập Hồ sơ vệ sinh lao động; thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động cho toàn bộ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động; hướng dẫn các cơ sở sản xuất trong việc tổ chức thời giờ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, phân công lao động khoa học…

Tỉnh Bắc Giang cũng đã yêu cầu các cơ sở sản xuất củng cố và hoàn thiện bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh; tăng cường công tác tự kiểm tra về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức bố trí, sắp xếp thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tổ chức huấn luyện về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và sơ cấp cứu cho người lao động; không ngừng cải thiện điều kiện lao động, giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại, tăng cường hệ thống thông gió tại các nhà xưởng, bố trí đủ nước uống, nước sạch cho người lao động; thực hiện khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về bảo hộ lao động để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Bên cạnh đó, một tồn tại nhiều năm nay ở các khu công nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy, là nhận thức của công nhân về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn còn hạn chế. Thêm vào đó, một số yếu tố bất lợi do môi trường làm việc, thời gian làm việc dài, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường kém... khiến đa phần công nhân chưa ý thức được việc phòng chống bệnh nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, mặc dù một số nhà máy, xí nghiệp đã tuân thủ đúng quy định về việc khám sức khỏe cho người lao động. Tuy vậy, việc khám chỉ dừng lại ở những kiểm tra đơn thuần như huyết áp, các bệnh ngoài da, răng miệng, còn khám kỹ và chuyên sâu về sức khỏe sinh sản và các bệnh phụ khoa, truyền nhiễm hầu như không có. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, mặc dù một số nhà máy, xí nghiệp đã tuân thủ đúng quy định về việc khám sức khỏe cho người lao động. Tuy vậy việc khám chỉ dừng lại ở những kiểm tra đơn thuần như huyết áp, các bệnh ngoài da, răng miệng, còn khám kỹ và chuyên sâu về sức khỏe sinh sản và các bệnh phụ khoa, truyền nhiễm hầu như không có. Một số Liên đoàn Lao động tỉnh đã thí điểm tổ chức lồng ghép một số buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho công nhân tại các khu nhà trọ đạt hiệu quả khá tốt. Hy vọng rằng, những chương trình như vậy sẽ làm chuyển biến nhận thức của công nhân và tạo tiền lệ để các công ty, doanh nghiệp chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, tăng cường vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp... cho công nhân.

Theo KH&DT, aFamily