Hàng trăm lao động không được trả lương nghỉ chờ việc

12/08/2014 07:10 AM


Mới đây, tập thể NLĐ Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu đã gửi đơn kiến nghị, về việc họ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà không được trả lương thời gian nghỉ chờ việc và không được chốt sổ BHXH.


Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu

Hơn 2.000 lao động nghỉ việc trong 2 năm

Ông Vũ Tuấn Việt- đại diện tập thể NLĐ cho biết, do tình hình kinh tế suy thoái, ngày 15/4, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Công ty Nam Triệu - huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng) đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với 709 cán bộ, công nhân viên từ ngày 30/5. Quá trình giải quyết chính sách cho NLĐ, Công ty Nam Triệu không thông báo việc công nhân được nhận số tiền lương chờ việc trong thời gian Công ty cho nghỉ và nợ lương theo quy định pháp luật. Anh Phạm Đức Vượng- chuyên viên BQL thiết bị của Công ty Nam Triệu cho biết: Anh bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ đợt này với lý do không sắp xếp được việc làm. Hiện, Công ty chưa thanh toán tiền lương nghỉ chờ việc năm 2013 và 2014, chưa chốt sổ BHXH cho anh. “Không chốt được sổ BHXH nên cũng không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Tôi đã nhiều lần đề nghị, nhưng chưa được Công ty giải quyết” - anh Vượng nói.
Theo đề án tái cơ cấu của Công ty Nam Triệu, năm 2013, Công ty đã chấm dứt HĐLĐ đối với 1.177 LĐ. Trong số này, Công ty chi trả tạm ứng 70% tiền trợ cấp thôi việc, mất việc (gần 9,4 tỉ đồng). Quý I/2014, Công ty chấm dứt HĐLĐ với 334 người; tháng 5/2014, chấm dứt HĐLĐ thêm 779 LĐ.
Về tiền lương, Công ty đã tạm ứng 100% tiền lương thực lĩnh năm 2012 cho NLĐ. Năm 2013, Công ty nợ lương NLĐ xấp xỉ 13 tỉ đồng. Năm 2014, Công ty đã thanh toán lương hết tháng 3 cho NLĐ. Tháng 4 - 5 đã tạm ứng 40% cho NLĐ.
Thỏa ước trái luật sẽ không có hiệu lực
Trong báo cáo về tái cơ cấu tại Công ty Nam Triệu, ngày 26/5, ông Vũ Văn Cừ - Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu cho biết: Số LĐ tự nguyện viết đơn xin nghỉ không lương từ năm 2012 lên đến hàng nghìn người. Số LĐ thiếu việc không viết đơn xin nghỉ không lương đã được các đơn vị trong Công ty bố trí nghỉ luân phiên. Theo ông Cừ, ngày 14/3/2012, thỏa ước lao động tập thể của Công ty Nam Triệu được đăng ký với Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng, có ghi: “Khi không bố trí được việc làm thì người giao việc phải thông báo trước 1 ngày để NLĐ chủ động công việc của họ. Nếu không báo trước thì Tổng Giám đốc phải trả lương chờ việc tại Tổng Công ty”. Vì vậy, Công ty không trả lương ngừng việc trong thời gian LĐ được thông báo trước và bố trí nghỉ luân phiên dài ngày tại nhà.
Về tham gia BHXH trong thời gian NLĐ nghỉ luân phiên, theo ông Cừ, BHXH quy định, nếu không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên/tháng thì không tính đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của tháng đó. Công ty Nam Triệu đã thông báo không tham gia BHXH cho NLĐ có số ngày không làm việc từ 12 ngày trở lên trong tháng. Vì vậy, khi NLĐ được báo trước và nghỉ luân phiên, không đảm bảo số công để tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.
Ông Vũ Đức Cường- Trưởng ban Chính sách LĐLĐ Tp.Hải Phòng cho biết: LĐLĐ TP đã có công văn trả lời NLĐ. Theo đó, về yêu cầu thanh toán tiền lương ngừng việc của NLĐ là có căn cứ. LĐLĐ TP sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Về thời hạn chốt sổ BHXH, phải căn cứ vào thời điểm NLĐ chấm dứt HĐLĐ, do vậy, khi Công ty Nam Triệu ban hành quyết định chấm dứt đối với NLĐ vào 30/5 thì phải chốt sổ BHXH đến hết tháng 5/2014.
Theo ông Cường, Điều 98 của Bộ luật Lao động quy định, những nội dung của thỏa ước lao động tập thể mà trái luật sẽ mặc nhiên bị vô hiệu hóa. Trong trường hợp của Công ty Nam Triệu, do không bố trí được việc làm cho NLĐ mà không chấm dứt HĐLĐ ngay thời điểm đó, thì Công ty phải trả tiền lương chờ việc cho NLĐ, đồng thời chốt sổ BHXH đến ngày ra quyết định chấm dứt HĐLĐ.

Ngày 3/6/2014, Bộ GTVT đã có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công sau buổi làm việc với Công ty Nam Triệu, trong đó yêu cầu Công ty này phải làm việc với BHXH Tp.Hải Phòng để xác định số nợ BHXH, thực hiện việc bảo lãnh nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các đơn vị trực thuộc, khoanh nợ năm 2013 và chi trả nợ phát sinh; gửi hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho LĐ cắt giảm về Bộ...

Theo: laodong.con.vn