Mua kháng sinh dễ như… mua rau

12/08/2014 04:21 AM


Người dân tự điều trị, hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn, sử dụng thuốc bừa bãi đang làm gia tăng tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam. Bộ Y tế cảnh báo, thực trạng này không chỉ tạo ra gánh nặng lớn cho kinh tế - xã hội mà trong tương lai, chúng ta có thể không còn thuốc điều trị.

Đối mặt với nỗi lo kháng thuốc trong điều trị, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho biết, tại Việt Nam, có đến 90% kháng sinh bán không có đơn thuốc. Đa số những người đứng bán tại các quầy thuốc là những người thiếu kinh nghiệm. Nguy hiểm hơn, nhiều người dân mượn đơn của nhau để mua thuốc, hoặc dược sĩ kê đơn cho bệnh nhân đang khiến cho tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến.

Đề cập đến vấn đề kháng thuốc, Giám đốc BV Phổi T.Ư Nguyễn Viết Nhung nêu con số, Việt Nam đang đứng thứ 12 trong số 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu, đứng hàng thứ 14 trong số 27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc. Hiện, tỷ lệ lao đa kháng thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (ước tính 4.800 bệnh nhân), 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân). "Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình bệnh lao trở nên phức tạp hơn do có tác động của đại dịch HIV/AIDS và kháng thuốc. Chi phí điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc tăng lên hàng trăm lần so với người bệnh lao không kháng thuốc, thậm chí không thể điều trị được ở một số trường hợp" - ông Nguyễn Viết Nhung cho biết. Một nghiên cứu về tình trạng kháng thuốc ở một số cơ sở điều trị HIV/AIDS tại Hải Phòng, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ kháng thuốc khi bắt đầu điều trị là 3,5%, sau 12 tháng điều trị, tỷ lệ này lên đến 82,5%.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, mọi người dân đều có thể gặp phải tình trạng kháng thuốc do sử dụng các loại thực phẩm. Lý giải hiện tượng này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Cao Hưng Thái chỉ rõ: Nếu không được kiểm soát tốt, việc sử dụng các loại hoạt chất, thuốc thú y trong chăn nuôi sẽ gây ra một nguy cơ rủi ro lớn cho môi trường và sức khỏe con người như hiện tượng kháng thuốc ở người, do tồn dư kháng sinh từ phân, nước tiểu sang cây trồng và qua nguồn nước sang con người. Trong chăn nuôi nông nghiệp, có đến 27% số trang trại nuôi lợn thịt, 24% nuôi lợn con, 10% cơ sở nuôi gà đều sử dụng nhiều loại kháng sinh tổng hợp. Vì vậy, con người sử dụng thực phẩm cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Hiện, nhiều bệnh có khả năng hết thuốc điều trị, tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam chưa có mạng lưới giám sát quốc gia về kháng thuốc. Việc giám sát về kháng thuốc mới chỉ được thiết lập và triển khai ở một số đơn vị, như BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, BV Bạch Mai, BV Nhi đồng 1…

Song, những hoạt động giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu các cơ sở xét nghiệm có thể xác định chính xác vi sinh vật đề kháng dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện các vi sinh vật đề kháng mới nổi, nên không thể có những hành động nhanh chóng để khống chế tình trạng kháng thuốc này. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện nay nhiều bệnh truyền nhiễm chưa có đủ các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hoặc hướng dẫn chưa được cập nhật, dẫn đến kháng sinh sử dụng chưa hợp lý.

Chính vì vậy, để ứng phó với tình trạng kháng thuốc hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, việc triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc là vô cùng cấp bách. "Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống kháng thuốc là góp phần nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" - bà Xuyên khẳng định và cho biết, Việt Nam đã cam kết triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc và sẽ nỗ lực cùng với các nước trong khu vực góp phần vào cuộc chiến chống kháng thuốc trên thế giới. Hiện, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.

Theo Báo Kinh tế đô thị