Nhật Bản: cầu viện lao động nữ

12/08/2014 04:18 AM


Trong một nỗ lực để hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách thúc đẩy các bà mẹ trở lại làm việc sau khi sinh con. Việc này không đơn giản.

Đi làm không dễ

Chị Ayumi Ito hiện đang làm quản lý cơ sở dữ liệu cho một công ty tư vấn quản lý rủi ro ở trung tâm Tokyo. Người phụ nữ 36 tuổi này tự coi mình là một người may mắn. Ito nằm trong số 38% phụ nữ Nhật Bản có thể trở lại làm việc sau khi sinh con đầu lòng.

Để có thể đi làm trở lại, chị đã phải lùng sục hơn 40 cơ sở chăm sóc trẻ em, mới có thể tìm được một chỗ phù hợp để gửi Saki, đứa con gái 2 tuổi rưỡi của mình. Saki “chỉ” phải ở nhà trẻ 11 tiếng đồng hồ mỗi ngày, trong khi cha mẹ đi làm. Chồng của Ito hàng ngày rời nhà lúc 7 giờ 30 và thường trở về vào lúc... 1 giờ sáng.

Phụ nữ Nhật Bản giờ không còn muốn sống dựa dẫm nữa. Họ cũng muốn có những lựa chọn khác. Nhưng mọi việc không phải dễ.

Có nhiều lý do để các bà mẹ không thể đi làm trở lại. Chẳng hạn văn hóa của Nhật Bản thường coi trọng số giờ làm hơn là kết quả, có nghĩa là một ngày làm 18 tiếng là hết sức bình thường. Nhiều người đàn ông thậm chí còn không có mặt vào những dịp đặc biệt, như lúc con họ chào đời. Lúc ấy, anh ta đến công sở làm việc như thường.

Yếu tố nữa là nhiều người Nhật nghĩ rằng phụ nữ nên dành ít nhất ba năm ở nhà sau khi sinh. Và hệ thống thuế hiện hành cũng “đánh” vào những hộ gia đình có hai người lớn làm việc.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng ngăn cản phụ nữ đi làm là vấn đề “hậu cần”. Làm thế nào để họ đi làm nếu không tìm được người chăm sóc con nhỏ? Số liệu của chính phủ cho biết, hơn 3 triệu phụ nữ ở Nhật Bản muốn làm việc nhưng không thể, một phần do thiếu người chăm sóc con cái, trong khi chi phí gửi trẻ cực kỳ đắt đỏ.

Để có thể tìm được một chỗ trông con, nhiều phụ nữ phải giả vờ làm thủ tục ly hôn trên giấy, để được nhận sự ưu đãi như bà mẹ độc thân. Cũng có những bà mẹ phải khai khống số giờ làm của mình để được ưu tiên.

Giờ đây, Thủ tướng Shinzo Abe muốn thay đổi điều đó. Ông Abe coi việc khôi phục nền kinh tế suy yếu của Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu của mình. Ông đã tung ra một kế hoạch đầy tham vọng mà người ta gọi là “Abenomics” (Kế hoạch kinh tế của ông Abe). Kế hoạch này bao gồm việc thúc đẩy phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, gọi là “womenomics”. Mục tiêu của Thủ tướng Nhật là nâng tỷ lệ các bà mẹ trở lại làm việc sau khi sinh lên 55% vào năm 2020.

“Abenomics sẽ không thành công nếu không có womenomics”, ông Abe nói tại một diễn đàn kinh doanh năm nay.

Nhật Bản đang ngồi trên một “quả bom nhân khẩu học”, với tỷ lệ sinh thấp, dân số đang trên đà giảm 30% vào năm 2060, trong khi 40% dân sẽ đạt độ tuổi già.

Đó là lý do tại sao nước này muốn thu hẹp khoảng cách giữa số lượng nam và nữ ở nơi làm việc, hiện đang là 84% nam và 21% nữ.

“Nếu có thể cân bằng lại yếu tố này, nó sẽ giúp tăng GDP thêm 13 điểm phần trăm, vì sẽ có thêm 7 triệu người tham gia lực lượng lao động”, Kathy Matsui, chiến lược gia tại Goldman Sachs, nhận định.

Trở ngại lớn là quan niệm

Để lôi kéo các bà mẹ trở lại làm việc, Thủ tướng Abe đã lập ra một kế hoạch đầy tham vọng là tạo ra 400.000 cơ sở chăm sóc trẻ mới trên toàn quốc vào năm 2018. Ông Abe coi thành phố lớn thứ hai Nhật Bản -Yokohama - là một ví dụ thành công.

Sau khi bà Fumiko Hayashi được bầu làm thị trưởng Yokohama năm 2009, bà đã dựa vào kinh nghiệm của mình để cải tổ chương trình chăm sóc trẻ em của thành phố.

“Nếu không cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ em ở Nhật Bản, phụ nữ sẽ không thể đóng góp cho xã hội”, bà Hayashi cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi đã rút ra điều đó thông qua kinh nghiệm thực tế của mình ở vị trí lãnh đạo. Nhiều nhân viên nữ của tôi đã nghỉ việc khi họ có con và không bao giờ trở lại”, bà nói.

Bà Hayashi khởi nghiệp là thư ký chuyên pha trà tại một công ty dệt may và đã vươn lên nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở các công ty BMW, Volkswagen tại Nhật Bản.

Bà đã đưa ra nhiều sáng kiến giúp thúc đẩy đáng kể số lượng các nhà cung cấp dịch vụ giữ trẻ tư nhân, tạo ra dịch vụ giữ trẻ tại chỗ làm... Thành phố cũng đã tăng gần gấp đôi ngân sách cho các cơ sở chăm sóc trẻ em trong bốn năm qua, lên 160 triệu đô la. Cha mẹ các em phải trả tiền học cao nhất là 775 đô la một tháng.

Mặc dù nhiều người hoan nghênh sáng kiến ​​của ông Abe, nhưng họ cho rằng kế hoạch của ông cũng không đủ giải quyết vấn đề cốt lõi - ví dụ, sự thiếu hụt nghiêm trọng của các cô nuôi dạy trẻ.

Noriko Nakamura, Giám đốc điều hành của Poppins, một công ty chăm sóc trẻ em tại Tokyo, cho biết hiện Poppins rất khó khăn để có thể thuê được 350 giáo viên mới cho năm nay.

Nakamura dẫn chứng rằng, có 1,1 triệu người có chứng chỉ chăm sóc trẻ, nhưng hai phần ba trong số đó hiện đang không làm việc trong lĩnh vực này. Tại sao vậy? Nakamura lý giải rằng, điểm mấu chốt là làm công việc chăm sóc trẻ mệt mỏi, mất nhiều giờ, mà thu nhập lại không cao.

Mức lương trung bình của giáo viên nhà trẻ ở Nhật Bản là khoảng 2.500 đô la Mỹ một tháng (gần đây Thủ tướng Abe đã ra lệnh tăng lương thêm khoảng 70 đô la Mỹ/tháng). Nhiều người có đủ tiêu chuẩn làm giáo viên, nhưng lại nghỉ ở nhà, hoặc làm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Một trở ngại được cho là lớn hơn nhiều, đó là phải thay đổi quan niệm khi đa số người dân Nhật Bản cho rằng, phụ nữ là người chịu trách nhiệm duy nhất trong việc chăm sóc gia đình và con cái.

Ông Matsui, chiến lược gia của Goldman Sachs, nêu số liệu cho thấy, đàn ông Nhật Bản dành trung bình 59 phút mỗi ngày cho công việc nội trợ và chăm sóc trẻ em - con số ít nhất trong các nước phát triển.

Bà thị trưởng Yokohama thừa nhận rằng đòi hỏi thay đổi cách nghĩ là khó. Bà cho hay, với tỷ lệ sinh thấp và xã hội lão hóa như Nhật Bản thì mong muốn hiện nay chỉ đơn giản là cần tạo ra nhiều hơn nhu cầu để phụ nữ tham gia vào nền kinh tế.

Theo Thời báo kinh tế Sài gòn