Khẩn trương hướng dẫn triển khai thực thi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

08/08/2014 12:48 AM


Ngay sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế với chức năng là cơ quan giúp việc Chính phủ, chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về BHYT, BHXH Việt Nam với chức năng là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đã có nhiều động thái tích cực, khẩn trương chuẩn bị những công việc cần thiết để triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015.




BHXH Việt Nam đã sớm triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đến CBCC, VC trong Ngành (Ảnh minh họa)

TS.Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định nhiều nội dung giao cho Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn. Đến nay, danh mục văn bản cần xây dựng mới và sửa đổi để thực hiện Luật đã được thống nhất.

Cụ thể, sẽ có 02 Nghị định được ban hành, gồm: Nghị định sửa đổi Nghị định số 62/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Nghị định quy định thực hiện BHYT đối với đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần ban hành 10 thông tư hướng dẫn. trong đó, Bộ Y tế- Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi thông tư liên tịch số 09 ngày 14/8/2009 về việc hướng dẫn thực hiện BHYT; ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện BHYT đối với đối tượng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Riêng Bộ Y tế xây dựng 05 Thông tư về Chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT; gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả; danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế; danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành quy định chuyên môn, kỹ thuật, quy trình khám, chữa bệnh và hướng dẫn điều trị. Ngoài ra còn có Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng do Bộ quản lý; Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thành lập, kiện toàn hệ thống y tế trường học để chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.

Về phía BHXH Việt Nam, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các bộ trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, BHXH Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành để tổ chức thực hiện Luật hiệu quả như Quy định mẫu thẻ BHYT, mã thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng mới, mẫu hồ sơ cấp thẻ BHYT; quy trình cấp đổi thẻ; rà soát thẻ BHYT cấp trùng; cấp xác nhận thời gian tham gia BHYT; hướng dẫn đóng BHYT theo hộ gia đình tại đại lý trên toàn quốc; xây dựng phần mềm in thẻ, quản lý dữ liệu thẻ, phần mềm thống kê thanh toán BHYT…/.

Nguồn TC BHXH