Đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng khu vực DN năm 2015: Cần thực hiện đúng chủ trương của Đảng

06/08/2014 07:36 AM


Kết luận số 23-KL/TƯ (ngày 29.5.2012) tại Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ Đảng khóa XI, Đảng ta đã đưa ra quan điểm “Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực DN nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”. Thời điểm đó, Đảng ta đã xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra lộ trình trên và bây giờ là lúc cả Nhà nước và các DN có trách nhiệm thực hiện chủ trương này.




Cty phân đạm và hóa chất Hà Bắc luôn nỗ lực trả lương cao cho NLĐ. Ảnh: Bắc Việt

Chăm lo tốt cho công nhân, DN mới phát triển Tại Cty CP PrimeGroup, năm 2012 thu nhập bình quân của CNLĐ chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng. Đó là thời điểm thỉnh thoảng DN phải đối phó với những vụ ngừng việc tập thể, CNLĐ thì liên tục nhấp nhổm, tìm nơi này, nơi khác để đổi việc.

Thời đó cũng là giai đoạn DN bị “rơi” xuống đáy của sự làm ăn kém hiệu quả, phải chuyển đổi chủ sở hữu. Bộ máy lãnh đạo mới về nắm DN, triển khai đồng loạt nhiều biện pháp củng cố SXKD, thay đổi phương thức tiếp cận thị trường; đồng thời, DN còn đặc biệt chú trọng chăm lo, đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống cho CNLĐ. Thu nhập của họ được điều chỉnh tăng dần, hiện đạt mức bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Hữu Quý – Chủ tịch CĐ Cty – cho biết, bất cứ đề xuất hợp lý nào của CĐ về những nội dung đầu tư chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ đều được chủ DN chấp thuận. Đến nay, nhờ sự chủ động tham gia của CĐ Cty, TƯLĐTT của đơn vị đầy ắp những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, như: cho CNLĐ đi mua sắm ở siêu thị vào một số ngày lễ, 100% CN được DN mua bảo hiểm thân thể, bữa ăn ca tăng thêm mỗi năm… Và đó chính là những điều kiện cần thiết để DN khởi sắc trở lại.


CNLĐ đang mong các DN thực hiện đúng tinh thần Kết luận số 23-KL/TƯ. Ảnh: Bắc Việt

Phải nỗ lực thực hiện Kết luận số 23-KL/TƯ

Nói về tính thực tiễn của Kết luận số 23-KL/TƯ, ông Bùi Hồng Đô – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc – cho rằng, BCH TƯ khóa XI đã cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra văn bản này. Điều đầu tiên phải khẳng định rằng, việc đảm bảo cho NLĐ có thu nhập tối thiểu ngang bằng với mức sống tối thiểu là trách nhiệm của bất cứ DN nào. NLĐ mà không đủ sống, họ làm sao có thể làm việc nổi, chứ chưa nói tới việc làm việc hiệu quả, cống hiến hết mình.

Thứ hai, việc đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, mức lương tối thiểu của NLĐ đạt mức nhu cầu tối thiểu không phải là điều quá xa vời. Cho dù các DN đã phải đối mặt với những khó khăn nhất định do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng với việc lo cho NLĐ đạt mức sống tối thiểu chắc chắn không quá sức các DN. Tại Vĩnh Phúc, một số DN chịu tác động lớn từ khủng hoảng kinh tế như Cty Toyota VN, Cty Honda VN, Cty CP Prime Group, một số DN ngành thép… vẫn duy trì nền nếp chăm lo tốt cho NLĐ bằng mức lương khá cao, đến nay đã bước đầu vượt qua khó khăn.

Tại một số DN của ngành Hóa chất như Cty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (thu nhập bình quân của NLĐ hơn 11 triệu đồng/tháng), Cty phân đạm và hóa chất Hà Bắc (thu nhập bình quân của NLĐ hơn 9 triệu đồng/tháng)… thời gian qua cũng phải đối mặt với khó khăn tương tự, hàng ngoại giá rẻ nhập lậu tràn lan, nhưng các đơn vị này vẫn nỗ lực đảm bảo mức thu nhập khá cao cho NLĐ và DN luôn yên tâm với đội ngũ luôn phấn đấu hết mình vì sự phát triển.

Theo Lao động